(VOV5) - Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.
Sáng 19/10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ của Dự án tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU-JULE) do Liên minh Châu Âu và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ, Bộ Tư pháp phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Phiên thảo luận “Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em”.
Các đại biểu cho rằng Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác có quy định về bảo vệ trẻ em như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, các Nghị định thư bổ sung Công ước về quyền trẻ em.
Các cam kết quốc tế này đã và đang được Việt Nam tổ chức thực hiện trong hệ thống pháp luật. Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Điều 37 Hiến pháp năm 2013 khẳng định trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em.