(VOV5) - Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng, tạo đột phá để phát triển kinh tế-xã hội.
Gần nửa thế kỷ qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò tiên phong, năng động, đi đầu trong công cuộc tái thiết, đổi mới phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Để giữ vững đà tăng trưởng và vai trò động lực lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chính sách, cơ chế thông thoáng, tạo đột phá để phát triển kinh tế-xã hội.
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tới nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã có 47 năm chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi Quốc hội khóa VI (Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất) thông qua nghị quyết chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn - Gia Định là thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 2/7/1976 trong kỳ họp đầu tiên. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh luôn giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước. Do vậy, Thành phố thu hút đông đảo lao động đến từ nhiều địa phương trong cả nước. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích đất nước nhưng lực lượng lao động của Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 8,6% lao động cả nước. Giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng bình quân 6,41%, cao hơn so với mức bình quân 6% của cả nước. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế của cả nước, thu ngân sách Thành phố luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất nước. Thành phố còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất nước, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Thành phố hướng tới trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên - Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh việc tạo dựng thể chế, các chính sách thông thoáng để thành phố phát triển: "Thành phố Hồ Chí Minh đừng để người dân, doanh nghiệp phải chờ quy định này, quy định khác. Chúng ta phải tháo gỡ cho họ. Trong điều hành phải năng động, dám nghĩ, dám làm, không máy móc, rập khuôn. Bởi vì tình hình biến động, cuộc sống luôn năng động nên người điều hành cũng biến động, năng động thích ứng nhưng phải nắm vững đường lối, chủ trương chính sách để không chệch đường ray".
Năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm tạo đột phá chuyển biến về hạ tầng, cố gắng đưa vào sử dụng các dự án lớn, công trình trọng điểm, như: Dự án metro số 1; Dự án chống ngập do triều khu vực Thành phố có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu giai đoạn 1; khởi công Dự án vành đai 3 Thành phố vào tháng 6; khẩn trương thực hiện Dự án metro 2, Dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)… Việc gỡ nút thắt về hạ tầng cơ sở, mà đầu tiên là về giao thông, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright, nêu ý kiến: "Quan trọng nhất là phải đặt lợi ích giao thông lên hàng đầu. Tạo giao thông thông thoáng, giảm chi phí thời gian, chi phí vận hành. Như vậy, đường Vành đai cố gắng đa số các đoạn đều là cao tốc, phải có đường song hành, để đảm bảo mục tiêu hàng đầu là lợi ích trực tiếp từ giao thông".
Ngành sản xuất và xuất khẩu rau củ quả của Thành phố Hồ Chí Minh rất tiềm năng để phát triển. Do đó, chính sách xây dựng hạ tầng cơ sở cũng cần được thành phố quan tâm. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group, doanh nghiệp chuyên ngành hàng rau củ quả xuất khẩu, cho biết: "Chúng tôi mong muốn sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh có thể đưa logistics vào kích cầu để kêu gọi đầu tư nhiều hơn và có những trung tâm kho bãi, chiếu xạ… giúp cho xuất khẩu thuận tiện và ổn định hơn. Chứ hiện nay kho bãi, kho lạnh của Thành phố Hồ Chí Minh còn đang thiếu".
Cùng với việc tháo gỡ các nút thắt của hạ tầng cơ sở, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Lãnh đạo Thành phố sẽ tăng cường gặp gỡ, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Ông Phạm Phú Lữ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại năm nay, chúng tôi tập trung vào các hoạt động kết nối giao thương. Chủ động phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp của các nước, tiếp đón các đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến tìm hiểu môi trường đầu tư kinh doanh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, tập trung vào các nhóm ngành, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Thành phố Hồ Chí Minh ra các thị trường".
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, xác định 3 mốc. Đến năm 2025, Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD. Đến năm 2030, là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu cho cả du khách và các nhà đầu tư quốc tế.