(VOV5) - Công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn luôn cần sự quan tâm, góp sức của toàn xã hội.
Giúp trẻ hòa nhập cộng đồng, bù đắp những thiệt thòi số phận và tích lũy kĩ năng sống là những ưu thế mà Mô hình thí điểm gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mang lại trong suốt 4 năm qua.
Mô hình nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em khuyết tật nặng…) được Quảng Ninh triển khai từ năm 2013, đã huy động sự tham gia của xã hội, nhất là các gia đình có điều kiện và tự nguyện nhận trẻ về nhà mình nuôi dưỡng nhằm trợ giúp các em có cuộc sống ổn định.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh trang bị kỹ năng cho gia đình nhận nuôi trẻ. Ảnh: Chí Tâm
|
Trung tâm Công tác xã hội Quảng Ninh đã tiến hành khảo sát, nắm bắt nguyện vọng của các em và nhu cầu, khả năng nhận nuôi của gia đình tại cộng đồng. Nhờ đó đã có danh sách các gia đình sẵn sàng nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại Thành phố Hạ Long, Cẩm Phả và Quảng Yên.
Trung tâm đã bàn giao trẻ em về với các gia đình nhận nuôi và hỗ trợ kinh phí nuôi dưỡng nhằm giảm bớt khó khăn cho gia đình. Hàng tháng, nhân viên của Trung tâm thường xuyên đến thăm trẻ em và cấp phát kinh phí hỗ trợ hàng tháng là 450.000 đồng/trẻ và 450.000 đồng/gia đình nhận nuôi. Bên cạnh đó, các em còn được trợ cấp mua quần áo, đồ dùng sinh hoạt và học tập với mức 700.000 đồng/trẻ/năm.
Ngoài ra, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với các nội dung liên quan đến cách thức chăm sóc, giáo dục trẻ, các kỹ năng sống; tạo điều kiện cho các cá nhân, gia đình được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ với Trung tâm và các gia đình khác. Qua đó, trẻ và gia đình được tăng cường năng lực, trang bị các kiến thức, kỹ năng sống cơ bản từ đó cùng nhau tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, tồn tại…
Có thể nói, mô hình này góp phần mở ra các hình thức chăm sóc dựa vào cộng đồng và từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Mô hình này cũng giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em và hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật. Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cho biết: “Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trước đây tiếp cận trên cơ sở các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhưng Luật trẻ em hiện nay tiếp cận trên cơ sở quyền của trẻ em, trẻ em nói chung cũng như các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Luật trẻ em chính là nơi thể hiện rõ hơn những quy định của hiến pháp trong việc triển khai thực hiện quyền con người và quyền trẻ em.”
Năm 2017, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với chính quyền, các đoàn thể địa phương trên địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động mô hình thí điểm đối với 30 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và xây dựng cơ sở dự phòng gồm 75 gia đình sẵn sàng nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cách làm của tỉnh Quảng Ninh có thể nhân rộng tại các địa phương khác để ngày càng có thêm nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng lợi, sớm có cơ hội hòa nhập với cộng đồng.