(VOV5) - Tính đến nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 1000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 770 người là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ.
Nằm ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai hiện có 44 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 43 dân tộc thiểu số với số dân khoảng 700.000, chiếm gần một nửa dân số toàn tỉnh. Những năm qua, nhờ sự đóng góp của người uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tỉnh Gia Lai đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực.
Tính đến nay, tỉnh Gia Lai có khoảng 1000 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có hơn 770 người là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019 - 2024. Giai đoạn 2018 - 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen cho 100 cá nhân; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai tặng Bằng khen cho 100 cá nhân là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Công an gặp gỡ các già làng uy tín ở làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Jrai. |
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai gương mẫu thực hiện và tuyên truyền, vận động đồng bào hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai “về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai, khẳng định: "Hiện nay, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, đặc biệt là vai trò của già làng, trưởng bản trong hệ thống chính trị ở cơ sở là rất quan trọng và đóng góp lớn trong việc phát triển kinh tế, thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh cũng như ổn định về an ninh chính trị. Chúng tôi hỗ trợ, khuyến khích phát triển những mô hình này và ngày càng phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng để tham gia không những là về an ninh chính trị mà còn trong phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Chúng tôi có chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số trong 5 năm qua tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 41% xuống còn rất thấp hơn 5%. Nhiệm kỳ qua, chúng tôi có riêng 1 Chỉ thị về xây dựng làng mới cho đồng bào dân tộc thiểu số trong chương trình xây dựng nông thôn mới."
Ông Ksor Hyao, già làng uy tín ở làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Jrai. |
Đội ngũ người có uy tín cùng lực lượng công an đã giáo dục, cảm hóa đuợc hàng ngàn đối tượng trước đây từng theo tổ chức phản động Fulro chống phá Nhà nước, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Điển hình như trường hợp ông Bome, người từng cầm đầu Fulro ở Tây Nguyên, nay đã hoàn lương và trở thành người có uy tín ở xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa. Hay ông Ama Thái, trước đây cũng là một trong những đối tượng cầm đầu Fulro ở tỉnh Gia Lai khi hoàn lương từng tham gia Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam huyện Chư Sê. Đội ngũ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phối hợp với công an tỉnh Gia Lai tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thượng tá Hoàng Quốc Thịnh, Phó phòng tham mưu công an tỉnh Gia Lai, cho biết: "Chúng tôi tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho 955 người uy tín. Thông qua đó đã vận động tuyên truyền giáo dục cho người dân thực hiện tốt chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước tại cơ sở, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."
Tại các địa phương như thành phố Pleiku, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và các huyện Ia Jrai, Chư Prông, Phú Thiện, Kbang, Đak Pơ... đã có hàng trăm hộ nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu sản xuất, kinh doanh giỏi, thu nhập bình quân mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Nhiều già làng, trưởng bản là chỗ dựa quan trọng của chính quyền trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Già Djơnh, nguyên chi hội trưởng Hội nông dân làng Plei Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku, cho biết: "Trước đây tôi tham hội nông dân xã Chư Á. Tôi thường tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng lúa, café, tiêu còn phân bón bà con tự mua. Nhà nước tạo điều kiện, giúp bà con phát triển đời sống. Nói chung giờ đây dân làng Plei Mơ Nú đời sống ổn định. Như nhà tôi trồng 1h café, mấy trăm gốc cây tiêu, lúa có 5 sào. Một năm gia đình thu nhập 150 triệu đồng, trừ chi phí còn lại lãi được 50 triệu đồng."
Hàng năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Gia Lai gặp mặt già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, lắng nghe họ phản ánh, đề đạt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhân dân về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…
Trong công tác phát triển đảng, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tỉnh Gia Lai phát triển được hơn 12.000 đảng viên, trong đó có nhiều đảng viên là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Đáng nói là toàn bộ 2.157 thôn, làng, tổ dân phố trên toàn tỉnh Gia Lai đều có chi ủy, đều có đảng viên, trước đây nhiều thôn, làng không có đảng viên.
Già Ksor Hyao, nguyên Bí thư Chi bộ làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, kể: "Làng lúc đầu có 4 đảng viên bây giờ có 9 đảng viên. Các đảng viên truyền tải đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận động bà con từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu, đoàn kết tương trợ lẫn nhau. Năm 2000 tôi được kết nạp chính thức vào đảng, nay đã 21 năm tuổi đảng. Tôi làm Bí thư Chi bộ làng Breng 3 từ năm 2005 đến năm 2020. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nói được, làm được, nói đi đôi với làm."
Những năm qua, đội ngũ người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai luôn phát huy vai trò, ảnh hưởng của mình trong cộng đồng, trở thành trung tâm đoàn kết, là cầu nối giữa Đảng với dân. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt tham gia giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai.