(VOV5) - Thời gian tới, liên đoàn lao động các cấp sẽ tiếp tục đối thoại, bàn các phương án sản xuất an toàn cho người laođộng.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và xâm nhập vào các khu công nghiệp, khu chế xuất của nhiều tỉnh thành phố, như: Bắc Ninh, Bắc Giang và các tỉnh phía Nam, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và khiến cho người lao động ngừng việc, mất việc, đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Đài TNVN, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết: “Bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người lao động phòng chống Covid-19, tự đảm bảo về điều kiện an toàn. Chúng tôi đã ban hành Quyết định 2606 về việc hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Theo đó, hàng trăm nghìn người lao động được thụ hưởng, qua đó giúp công nhân lao động vượt qua khó khăn, nhất là công nhân thuộc đối tượng F0, F1, công nhân khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi giám sát các doanh nghiệp có điều kiện sản xuất thì doanh nghiệp đó phải thực sự an toàn, làm việc hiệu quả, năng xuất cao. Chúng tôi cho rằng công đoàn các cấp phải đồng hành với doanh nghiệp và đảm bảo an toàn cho người lao động, coi đấy như là một nhiệm vụ trọng tâm để cùng thực hiện được mục tiêu kép của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ”.
Thời gian tới, liên đoàn lao động các cấp sẽ tiếp tục đối thoại, bàn các phương án sản xuất an toàn, cũng như đưa ra quy định về điều kiện chặt chẽ đối với người lao động cần chấp hành giúp cho doanh nghiệp an toàn, nhất là những doanh nghiệp có đông người lao động ăn, ở và sản xuất tại doanh nghiệp.