(VOV5) - Những người lính còn sống trở về, họ tìm đến nhau, bồi đắp nghĩa tình đồng đội.
36 năm trước, vào ngày 14/3/1988, trong một cuộc chiến không cân sức, 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ chủ quyền của đất nước tại các đảo đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa. Những người lính còn sống trở về, họ tìm đến nhau, bồi đắp nghĩa tình đồng đội. Trong cuộc sống đời thường, những cựu binh hay những thân nhân liệt sĩ Gạc Ma luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền và nhân dân địa phương, từ các tấm lòng tri ân anh hùng liệt sĩ.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Ngày 14/3 hàng năm, ông Trần Quốc Tuấn, anh trai liệt sĩ Gạc Ma Trần Quốc Trị làm mâm cơm cúng giỗ, bày biện 64 bát đũa mời liệt sĩ Trị cùng 63 đồng đội của anh về với gia đình. Năm nay, trong ngôi nhà nhỏ ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, gian thờ liệt sĩ Trần Quốc Trị được sắp xếp trang trọng. Trước đó, gia đình liệt sĩ Trần Quốc Trị được tặng một chiếc tủ thờ rất đẹp. Đây là món quà do Đảng bộ phường Tân Định, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh trao tặng trị giá gần 14 triệu đồng. Ông Trần Quốc Tuấn tâm sự, hôm nay, bát hương và tấm ảnh thờ của liệt sĩ Trị đã được đặt ngay ngắn trên bàn thờ, gia đình cảm thấy ấm lòng.
Các cựu binh thả đèn hoa xuống sông Gianh |
“Thân nhân các liệt sĩ bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ biển đảo cảm ơn Đảng, Nhà nước, các ban ngành đã quan tâm giúp đỡ. Đại diện gia đình, tôi rất cảm ơn tấm lòng của các nhà hảo tâm đã tặng tủ thờ đến các gia đình liệt sĩ Gạc Ma, việc làm này rất ý nghĩa”.
Tủ thờ tặng gia đình liệt sỹ Trần Quốc Trị là chiếc tủ thờ thứ 14 được bà Hồ Thị Vinh, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh vận động các nhà hảo tâm giúp đỡ từ năm 2017 đến nay. Năm 2017, tình cờ bà Vinh nhìn thấy bàn thờ liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Quyết ở xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình được làm từ một tấm ván ép đã úa màu cũ kỹ. Nhìn thấy hình ảnh đó, bà Vinh âm thầm tìm cách giúp đỡ gia đình liệt sĩ Quyết.
Qua tìm hiểu, bà Vinh biết được, gia đình liệt sĩ Trần Văn Quyết hoàn cảnh khó khăn, trước đây bố của anh mong có chiếc tủ thờ để đặt di ảnh và bát hương thờ liệt sĩ thêm trang trọng. Thế nhưng, nhiều năm sau, bố của liệt sĩ Quyết qua đời mà tâm nguyện của ông vẫn chưa thành hiện thực. Ngay sau đó, bà Vinh đã tìm cách liên lạc với những người quen biết tại Quảng Bình để mua một chiếc tủ thờ thật đẹp đưa đến tặng gia đình liệt sĩ Quyết.
64 ngọn hoa đăng được thả xuống dòng sông Gianh |
Bà Hồ Thị Vinh tâm sự, từ hoàn cảnh của gia đình liệt sĩ Trần Văn Quyết, bà đã vận động bạn bè, người thân giúp đỡ tặng tủ thờ đến các gia đình liệt sĩ Gạc Ma: “Tôi trăn trở mãi không biết liệu rằng gia đình 63 liệt sĩ còn lại có gia đình nào trường hợp như gia đình liệt sĩ Trần Văn Quyết hay không. Các anh đã hy sinh xương máu bảo vệ biển đảo Tổ quốc, độc lập dân tộc. Thế nhưng ước nguyện của người bố liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Quyết chỉ là 1 chiếc bàn thờ trang nghiêm để thờ con trai liệt sĩ vẫn chưa thành hiện thực. Ngay sau đó tôi đi vận động giúp đỡ gia đình liệt sĩ có chiếc tủ thờ và khi nhận được chiếc tủ thờ đó, gia đình rất xúc động. Tôi sẽ đi tìm hiểu hết hoàn cảnh các gia đình liệt sĩ nếu gia đình nào chưa có nơi thờ phụng trang trọng thì tôi sẽ tiếp tục vận động”.
Kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, vào dịp 14/3 năm nay, các cựu binh Gạc Ma tại tỉnh Quảng Bình cùng về thị xã Ba Đồn thực hiện nghi lễ thả bè hoa và thắp 64 ngọn hoa đăng trên dòng sông Gianh. Từ đất liền, các cựu binh Gạc Ma vái vọng hương hồn đồng đội đang còn nằm lại dưới biển sâu. Chính quyền thị xã Ba Đồn cùng Ban Liên lạc cựu binh Gạc Ma cũng tổ chức gắn tên đường mang tên anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương.
Ông Nguyễn Văn Thống, cựu binh Gạc Ma quê ở xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết, lần đầu tiên có con đường mang tên anh hùng liệt sĩ Gạc Ma. Đây cũng là dịp để cựu binh Gạc Ma tưởng nhớ đến những đồng đội đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Năm nay kỷ niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma, những cựu chiến binh Gạc Ma cũng về lại thị xã Ba Đồn để gặp gỡ và tham dự lễ gắn tên đường mang tên anh hùng liệt sĩ Gạc Ma Trần Văn Phương, đây là điều rất vinh dự vì là lần đầu tiên, nên ai cũng xúc động, vui mừng”.