(VOV5) - Nhiều năm qua, nhiều người Việt chỉ biết quần đảo Trường Sa qua sách vở, những bài báo và ước mơ một lần được đến trong đời.
Huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là nơi mà nhiều người Việt Nam mong ước một lần được đến thăm. Trong những ngày cuối tháng 5 vừa qua, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam đã có chuyến công tác ra thăm huyện đảo và ghi lại những cảm xúc, tình cảm đặc biệt của các thành viên trong Đoàn công tác dành cho Trường Sa, mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc giữa Biển Đông xa xôi.
Nghệ sỹ Dương Thị Anh chụp ảnh cùng chiến sỹ đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: NVCC |
“Tôi ngước nhìn bầu trời Tổ quốc
Trên con tàu rời cảng để ra khơi
Tấc đất thiêng liêng... đây biển, đây trời
như máu thịt, như trái tim người Việt
Tổ quốc tôi rừng xanh biển biếc…
Máu cha ông nhuộm thắm cờ hồng
Để hôm nay liền núi, liền sông, liền biển đảo với tấm lòng cả nước
Nào ta hãy nhìn về phía trước… đảo Trường Sa, ôi nước Việt Nam mình”.
Những vần thơ chan chứa tình cảm giành cho Trường Sa như lời muốn nói của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Thị Anh khi bước chân lên tàu ra với Trường Sa. Chị Dương Thị Anh chia sẻ nhiều năm qua, chị chỉ biết Trường Sa qua sách vở, những bài báo… Trong thâm tâm, Trường Sa rất thiêng liêng và chị ước mơ được một lần đến với nơi này: “Tôi biết tin tôi được đi Trường Sa vào ngày 26/4. Từ lúc đó tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mình tốt nhất để đi. Lúc nhận tin thì tôi hồi hộp lắm, muốn òa lên và khoe với tất cả mọi người. Khi ra đến đảo mới thấy Trường Sa tuyệt vời lắm. Mọi người mới biết được rằng đất nước mình Tổ quốc mình ở đâu cũng là thiêng liêng”.
Phóng viên Lê Thu Hằng chia sẻ món quà cùng chiến sỹ tại đảo chìm Đá Tây B. Ảnh: NVCC |
Vượt qua gần 1.000km để đến với Trường Sa, dù sóng, gió, nhưng khi tàu đến đảo, mệt mỏi của quãng đường như tan biến, thay vào đó là sự háo hức, mong đợi được gặp những người đang từng giờ vượt qua khó khăn, vất vả, để giữ gìn biển đảo quê hương. Nhà báo Lê Thu Hằng, Báo Doanh nghiệp và hội nhập, chia sẻ đến với Trường Sa là cơ hội được khám phá đất nước, có thêm tư liệu phục vụ công việc và hiểu rõ hơn về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước: “Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị những món quà nhỏ để tặng cho các cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo. Tôi là một người con Việt Nam, được đặt chân của mình đến vùng đất linh thiêng của Tổ quốc, mang đến tinh thần hào hùng dân tộc, yêu thương Tổ quốc của mình… để khi về đất liền, có thể lan tỏa tinh thần dân tộc, sự tự hào khi được đến với Trường Sa”.
Những món quà tặng các bạn nhỏ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi được chị Hoàng Thị Ngọc Quyên (áo dài xanh) mang ra đảo Trường Sa. |
Đối với chị Hoàng Thị Ngọc Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại & Tư Vấn Phát Triển Công Nghệ DNA, Trường Sa là một giấc mơ ấp ủ 15 năm mới thành hiện thực. Chị Quyên chia sẻ do đặc thù công việc nên chỉ có kỹ thuật viên, nhân viên công ty ra đảo hay đến nhà giàn: “Khi ở trên đất liền, tình yêu với biển đảo của mình cũng rất sâu sắc nhưng mà khi mà mình được đặt chân tới các đảo chìm, đảo nổi và tới nhà giàn… thì mình cảm giác rằng tình yêu nước trong mình nó phải tăng lên gấp bội phần. Mình thấu hiểu được những gian khổ vất vả hàng ngày, hàng giờ các chiến sĩ phải đối mặt. Khi gặp các chiến sĩ, thấy họ ai cũng tràn đầy năng lượng, tràn đầy nhiệt huyết, tràn đầy tinh thần yêu nước… tự nhiên nước mắt cứ trào ra. Đấy là những giọt nước mắt của cảm phục, những giọt nước mắt của sự tin yêu và những giọt nước mắt của sự kính trọng và rất rất biết ơn các chiến sĩ. Trong cuộc sống thì có rất nhiều lựa chọn, nhưng tôi nghĩ đó là một sự lựa chọn dũng cảm. Trường Sa mãi trong tim tôi”.
Ca sỹ Minh Ngọc tự hào và xúc động khi được hát giữa biển đảo quê hương. Ảnh: NVCC |
Thiếu úy, ca sỹ Minh Ngọc, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội, chia sẻ: “Tôi đã được thắp hương tại Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại Gạc Ma, tôi không kìm được nước mắt. Khi thả nhưng con hạc giấy, những bông hoa gửi đến anh hùng đã khuất, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn họ. Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp ca hát, tôi được biểu diễn trên tàu, trên các đảo giữa biển khơi bao la của Tổ quốc. Tôi thực sự rất xúc động”.
Với chị Triệu Thị Bình, chuyến đi Trường Sa là chuyến đi công tác đáng nhớ nhất. |
Trong đoàn công tác số 21 ra thăm Trường Sa, chị Triệu Thị Bình, dân tộc Dao, đến từ huyện miền núi Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Chị Triệu Thị Bình chia sẻ đây là chuyến công tác đặc biệt trong cuộc đời. Một cô gái vùng cao trước đây chỉ thấy núi, thấy đồi... nay được thấy biển, đảo của Tổ quốc: “Tối thấy rất xúc động khi được đến với các đảo. Trong lòng không thể diễn tả hết những cảm xúc mà khi được đến đây. Các chiến sĩ đảo còn nhiều gian khó vất vả, nhưng rất vững tâm để bảo vệ biển đảo biên cương của Tổ quốc. Tôi cũng rất biết ơn của các chiến sỹ nơi đây”.
Với nhiều người, hành trình về Trường Sa có lẽ chỉ có một lần trong đời nhưng hành trình của cảm xúc thì cứ mãi neo giữ trong tim như ngọn lửa âm ỉ cháy suốt cuộc đời. Trường Sa giờ không còn xa nữa... mà luôn trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.