(VOV5) -Trong chỉ đạo về xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, truyền thông về phòng chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu.
Thiên tai ở Việt Nam diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều biểu hiện cực đoan trái với quy luật. Vì thế việc phòng chống và chủ động đối phó là công việc vô cùng cần thiết. Trong chỉ đạo về xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, truyền thông về phòng chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu bởi vì liên quan đến tính mạng và tài sản của toàn dân, tài sản quốc gia thậm chí là an ninh quốc phòng.
Tại một sự kiên về thiên tai cực đoan mới đây, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố những số liệu cho thấy Việt Nam đang là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và hệ lụy của biến đổi khí hậu. Bà Wiesen đồng thời kêu gọi hơn nữa những sáng kiến đóng góp vào nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai:
“Chưa bao giờ Việt Nam phải hứng chịu số lượng bão kỷ lục liên tiếp như 20 năm qua suốt từ Bắc xuống Nam. Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, gây thiệt hại mỗi năm khoảng 1,5 % GDP. Việc làm cấp thiết hiện nay là tiếp tục tim cách chủ động đối phó. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến vai trò của truyền thông trong việc phản ánh,cung cấp kiến thức kỹ năng để thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn, xây dựng khả năng phục hồi cho người dân để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.”
Tọa đàm về môi trường tại Tòa nhà chung LHQ tại Hà Nội |
Đề cập đến trách nhiệm và tính hiệu quả của báo chí trong phòng chống rủi ro thiên tai, Tổng cục trưởng phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho biết, hoạt động truyền thông trong những năm gần đây đang đáp ứng được nhu cầu thông tin kịp chính xác cũng như công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sau thảm họa:
“Trong những năm qua, góp sức cùng cộng đồng, truyền thông giúp chúng ta chủ động đối phó được nhiều hơn loại hình thiên tai phức tạp như bão trên biển Đông, lũ lớn ở đồng bằng sông Hồng…qua đó giúp hạn chế thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, do tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan về cường độ, trái với quy luật cùng với đó Việt Nam đang phát triển rất lớn về quy mô, dân số càng đòi hỏi áp lựcvề bảo vệ an toàn trước thiên tai ngày một lớn hơn.”
Cùng đồng hành với Việt Nam trong hơn 20 năm qua, Chương trình phát triển Liên hợp quốc luôn đánh giá cao kinh nghiệm của chính phủ, người dân Việt Nam trong phòng chống thiên tai.
Ở góc độ hỗ trợ cho truyền thông, ông Đào Xuân Lai, trợ lý giám đốc chương trình phát triển Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Thông qua truyền thông,việc huy động sức manh của toàn dân, các đối tác vào cuộc chính là mấu chốt giải quyết được mọi vấn đề. Việt Nam là một trong những quốc gia đi tiên phong đưa ra chương trình quốc gia quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng thông qua Đề án1002. UNDP tự hào được tham gia vào đóng góp đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ nhận thức cho người dân để họ tự nhận dạng các rủi ro. “
Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc UNDP |
Trong khi đó, tổ chức phi chính phủ CARE tại Việt Nam cũng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các dự án về tăng cường tương tác giữa các cơ quan truyền thông với người dân trong cảnh báo, nâng cao nhận thức hướng đến hành động đối phó thiên tai.
Bà Nguyễn Thị Yến, giám đốc CARE khẳng định việc dùng mạng xã hội đang phát huy hiệu quả trong quá trình truyền thông tin dự báo tới người dân: “Các tổ chức phi chính phủ như CARE thường quan tâm truyền thông làm thế nào để thay đổi được hành vi, hướng tới giải pháp và hành động. Bên cạnh truyền thông chính thống còn có truyền thông nghiệp dư, tức cho người dân tự kể những câu chuyện chân thực, dễ lan truyền rất gần gũi và nhắc nhở hiệu quả qua các mạng xã hội”
Ông Trần Quang Hoài ( trái) và Giám đốc UNDP trao giải cho tác phẩm báo chí giành giải nhất đề tài thiên tai |
Theo trưởng ban nghiệp vụ Hội nhà báo Việt Nam Trần Bá Dung, để nâng cao hiệu quả của việc tuyên truyền, các cơ quan báo chí cần có thêm nhiều những phóng sự, những bộ phim, những tác phẩm có sức lan tỏa không chỉ cảnh báo phản ánh diễn biến thiên taimà còn đưa ra cho cộng đồng các giải pháp thực tế từ những kinh nghiệm tác nghiệp báo chí:
“Báo chí cần tham gia nhiều hơn vào tuyên truyền hướng dẫn về phòng chống thiên tai. Nên khuyến khích các nhà báo đi khắp mọi miền đất nước để phản ánh đa chiều ở mọi góc độ. Sự chuyên nghiệp xả thân đi viết lĩnh vực này là dấu ấn lao động, sự hi sinh thầm lặng của nhà báo. Vì thế, tôi cho rằng cũng cần nêu gương những đơn vị cá nhân, tổ chức hay giải pháp thiết thực trong công tác truyền thông về thiên tai.”
Nhà báo Trần Bá Dung nhận định, từ những bài học quá khứ, hành động tương lai. truyền thông cần đi trước một bước trong cảnh báo thiên tai để tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu trong nỗ lực giúp giảm thiểu thiệt hại cũng như chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng ở Việt Nam.