Việt Nam chủ trì Phiên thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về bom mìn

(VOV5) - Các nước cần hợp tác tốt hơn nữa để đạt được các kết quả bền vững hơn trong khắc phục hậu quả bom mìn.

Ngày 08/04, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021, Việt Nam đã tổ chức Phiên Thảo luận mở cấp Bộ trưởng của Hội đồng bảo an về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn” dưới hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội.

Việt Nam chủ trì Phiên thảo luận mở của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về bom mìn - ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì phiên thảo luận ngày 8-4. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ các bài học kinh nghiệm thành công của Việt Nam như sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Lãnh đạo các cấp, đầu tư tăng cường năng lực, phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các tổ chức phi chính phủ và sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ. Bộ trưởng cho rằng các chương trình, chính sách cần đặt người dân vào vị trí trung tâm. Hợp tác với các đối tác quốc tế cần được tăng cường, nhất là thông qua khắc phục hậu quả bom mìn để hàn gắn vết thương chiến tranh.

Trên bình diện quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng các nước cần hợp tác tốt hơn nữa để đạt được các kết quả bền vững hơn trong khắc phục hậu quả bom mìn, thông qua cung cấp tài chính, hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực, nhận thức và chia sẻ kinh nghiệm cho những nước bị ảnh hưởng.

Nhân dịp này, Hội đồng bảo an đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng bảo an do Việt Nam đề xuất đề cập riêng đến vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn. Tuyên bố cũng đề cập đến các nội dung mới quan trọng như tác động tiêu cực nhiều mặt của đại dịch Covid-19, khuyến khích tăng cường hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng, xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về khắc phục hậu quả bom mìn trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tính tới các nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em trong triển khai các nhiệm vụ liên quan.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác