(VOV5) - Việc phát triển công nghệ vũ trụ sẽ dùng vào các mục đích chủ đạo là giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên.
Việt Nam hướng tới chế tạo vệ tinh độ phân dải siêu cao - đây là mục tiêu lớn của Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cùng với đó, Việt Nam đặt mục tiêu làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị đầu cuối, trạm mặt đất điều khiển và thu nhận dữ liệu vệ tinh, các bộ phát cho vệ tinh viễn thông. Bên cạnh đó, hình thành năng lực định vị dẫn đường của Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống định vị dẫn đường sử dụng vệ tinh toàn cầu hiện có. Ứng dụng khinh khí cầu, khí cụ bay ở tầng bình lưu phục vụ nghiên cứu khoa học, đo đạc, thăm dò khí quyển, phát triển dịch vụ du lịch.
Việc phát triển công nghệ vũ trụ sẽ dùng vào các mục đích chủ đạo là giám sát, hỗ trợ ra quyết định ứng phó với các hoạt động, biến đổi của thiên nhiên, các biến động xã hội trên diện rộng trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu trên, chiến lược tập trung vào việc đào tạo được đội ngũ khoảng 300 chuyên gia, 3.000 kỹ sư triển khai trong lĩnh vực khoa học và công nghệ vũ trụ. Đầu tư nâng cấp khoảng 10 phòng thí nghiệm chuyên sâu, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học vũ trụ, công nghệ vũ trụ, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ.