(VOV5) - Nếu không có cơ sở riêng thì chuyển sang phương pháp lọc màng bụng tại nhà để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Bác sỹ thăm khám bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại khoa thận tiết niệu, bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên - Ảnh minh họa: Phạm Kiên/TTXVN |
Chiều 10/3, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo triển khai “Hướng dẫn điều trị, quản lý bệnh thận mãn tính giai đoạn cuối trong thời điểm có dịch COVID-19”. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Thận thế giới (11/3) năm nay, với chủ đề “Sống khỏe với bệnh thận”.
Bác sĩ Tạ Phương Dung, Phó chủ tịch Hội Thận học Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ tại vùng dịch, cần có cơ sở riêng để chạy thận cho những bệnh nhân mắc COVID-19. Nếu không có cơ sở riêng thì chuyển sang phương pháp lọc màng bụng tại nhà để đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Theo bác sĩ Dung: "Thực hiện lọc màng bụng tại nhà cho người bệnh có nhiều lợi ích so với phương pháp chạy thận nhân tạo tại đơn vị lọc máu như người bệnh được điều trị tại nhà, giảm tần suất đến bệnh viện khám; Giảm nguy cơ lây nhiễm; Chủ động thời gian điều trị; Giảm tải bệnh viện, giảm nguy cơ cho nhân viên y tế và cộng đồng và người bệnh tự thực hiện được lọc màng bụng”.
Mục tiêu của hướng dẫn mới là bảo đảm an toàn và hiệu quả điều trị cho người bệnh lọc máu trước đại dịch COVID-19, đồng thời hướng dẫn các nhân viên y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và điều trị, quản lý người bệnh suy thận mãn tính giai đoạn cuối.
Khi dịch COVID-19 xuất hiện, người chạy thận được xếp vào nhóm có nguy cơ cao vì dễ bị tổn thương, có nhiều bệnh mắc kèm và rối loạn chức năng miễn dịch, hướng dẫn mới của Bộ Y tế sẽ giúp bệnh nhân chạy thận an toàn hơn trước dịch COVID-19.