(VOV5) - Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và áp dụng mọi các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng người dân.
Hôm qua (24/10), tại New York, Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức thảo luận mở về đề mục “Tình hình Trung Đông, bao gồm vấn đề Palestine”, tập trung vào căng thẳng đang diễn ra giữa Israel và Palestine từ ngày 07/10 đến nay.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. Ảnh: Phóng viên VOV tại Mỹ |
Tham dự và phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh Việt Nam lên án mạnh mẽ mọi hành động tấn công nhắm vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự. Đại sứ kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế và áp dụng mọi các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng người dân, trong đó bảo đảm an toàn và thả ngay lập tức tất cả con tin, giảm thiểu thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu theo Nghị quyết 2573 năm 2021 của Hội đồng Bảo an.
Đại diện Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là tất cả các bên liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt giao tranh, nối lại đối thoại và đàm phán, cho phép tiếp cận nhân đạo và triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo kịp thời, đồng thời bảo đảm an toàn cho các nhân viên cứu trợ nhân đạo. Đại sứ Đặng Hoàng Giang hoan nghênh và ủng hộ các nỗ lực hòa giải của Liên hợp quốc, của các nước thành viên cũng như của các tổ chức quốc tế và khu vực; nhấn mạnh về lâu dài, cần chấm dứt các hoạt động kích động thêm bạo lực, hận thù giữa hai bên; chấm dứt hoạt động mở rộng các khu định cư tại Bờ Tây, phá huỷ nhà cửa, trục xuất người Palestine, tôn trọng nguyên trạng các khu vực Thánh địa tại Jerusalem.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam cũng đề xuất kích hoạt lại hoạt động của Nhóm Bộ tứ về hoà bình Trung Đông; kêu gọi các bên quay lại đàm phán để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, hướng tới đạt được giải pháp Hai nhà nước với Đông Jerusalem là Thủ đô của Nhà nước Palestine và đường biên giới trước năm 1967, phù hợp với luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.