Vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đang trở thành vấn nạn toàn cầu. Nó đang tác động tiêu cực đến các hoạt động kinh kinh tế, xã hội tại các quốc gia ven biển. Nhận thức rõ về thách thức này, nhiều năm qua, Việt Nam đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết.
Và trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu, vừa diễn ra tuần qua, tại Hà Nội, Việt Nam một lần nữa kêu gọi thế giới cần khẩn trương hợp tác, chung tay hành động.
hần lớn rác thải nhựa bị đẩy xuống đại dương. Ảnh: onegreenplanet.or |
Đại diện hơn 70 quốc gia, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học tại Hội nghị đều nhận định, rác thải nhựa đại dương không chỉ là vấn đề lớn, phức tạp ở quy mô, phạm vi mà cả về mặt tri thức, hiểu biết, cũng như quá trình phát sinh, phát tán, biến đổi, đặc biệt là những tác động của rác thải nhựa đến các hoạt động kinh tế, xã hội, môi trường, các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người. Bà Mona Aarhus, Phó Tổng cục trưởng, Bộ Môi trường và Khí hậu Na Uy, cho rằng: “Chấm dứt ô nhiễm về nhựa là một nhiệm vụ quan trọng của chúng ta. Đây là điểm mấu chốt ảnh hưởng đến sức khỏe và an ninh lương thực toàn cầu. Ngày nay, đại dương đã và đang phải chịu gánh nặng của nhiều hệ lụy từ những vấn đề biến đổi khí hậu, thất thoát đa dạng sinh học và ô nhiễm. Việc giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ hơn.”
Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và rác thải nhựa đại dương đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và bằng những hành động thiết thực, điển hình như Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, trong đó, luật hóa các nội dung liên quan đến chất thải nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Đồng thời, triển khai thực hiện Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.
Phiên toàn thể đặc biệt: “Giải quyết vấn đề ô nhiễm và rác thải nhựa đại dương: Một thách thức lớn của thế kỷ 21” diễn ra chiều 13/5 trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: TH/ thanhtra.com.vn |
Trong bối cảnh đó, tại Hội nghị lần này, Việt Nam kêu gọi sự tham gia vào cuộc của các quốc gia chống lại ô nhiễm nhựa. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam Phạm Thu Hằng, nhấn mạnh: “Giảm thiểu chất thải từ nhựa đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này. Hội nghị của chúng ta cần xem đây là thời điểm cho hành động với tinh thần "quyết liệt" và "cấp bách" để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương. Chúng tôi kêu gọi chia sẻ tầm nhìn, giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa và rác thải đại dương trong bối cảnh cùng phục hồi sau Covid-19. Các giải pháp, lộ trình và hành động cụ thể để đạt được một kết quả thực sự đó là Thỏa thuận toàn cầu về giải quyết vấn đề rác thải nhựa. Xây dựng một cơ chế tài chính, hỗ trợ chuyển giao công nghệ giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên đất liền và ở biển.”
Thống kê, hiện nay, ở Việt Nam, mạng lưới đối tác và các bên liên quan về vấn đề rác thải nhựa đại dương có khoảng 70 dự án và chương trình được thực hiện tại 19/28 tỉnh thành ven biển và các huyện đảo. Việc Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu thêm một lần nữa khẳng định nỗ lực của Việt Nam trong hành động cụ thể để đạt được Thỏa thuận toàn cầu về giải quyết vấn đề rác thải nhựa