Ngày 5/9, hàng triệu học sinh Việt Nam sẽ đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023, trong đó có cả các em nhỏ tại một số huyện biên giới của tỉnh Sơn La. Để có điều kiện đến trường học con chữ, những năm qua, các em nhỏ ở vùng biên giới của tỉnh Sơn La nhận được sự giúp đỡ từ Dự án “Nuôi em Mộc Châu”. Dự án là sự kết hợp giữa Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La với các Phòng Giáo dục tại các huyện biên giới. Đến nay, dự án đã nuôi cơm trưa cho gần 2.000 em nhỏ, viết tiếp ước mơ đến trường của nhiều học sinh tại vùng biên giới tỉnh Sơn La.
11h trưa, tại điểm trường mầm non Phiên Cài, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, sau những tiết học… các em nhỏ lại gọi nhau í ới, kê bàn ghế chuẩn bị đến giờ ăn. Trên bàn ăn, ngoài cơm, canh rau, đã có thịt, có cá… Những bữa trưa đầy đủ dưỡng chất này là của Dự án “Nuôi em Mộc Châu”.
Dự án “Nuôi em Mộc Châu” góp phần hỗ trợ phát triển giáo dục tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ảnh: sonla.gov.vn |
Dự án “Nuôi em Mộc Châu” ra đời trong những lần Trung úy Dương Hải Anh (Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La) và đồng đội đi công tác tại các điểm bản xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La: "Tôi đã chứng kiến rất nhiều hình ảnh của các bạn nhỏ mầm non tự đi bộ tới lớp, tới trường với hành trang là một âu cơm trắng và một chai nước. Tôi đã nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ bà con dân bản.
Những ngày đầu triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn, trong đó, các gia đình không ủng hộ, vì sợ sẽ phải đóng thêm tiền. Thế nhưng, sau 3 tháng triển khai, 54 học sinh của điểm trường mầm non Phiên Cài đã có sự thay đổi cả về thể chất và chiều cao. Anh Tráng Lao Di, Phụ huynh học sinh, cho biết: "Các cháu mong muốn được đi học. Lên lớp, lên trường có hôm được uống sữa, ăn bánh kẹo. Đặc biệt là bữa trưa, Chương trình “Nuôi em Mộc Châu” nuôi các cháu là bố mẹ không phải lo bữa trưa để đi học”.
Từ hiệu quả của dự án, đến nay đã có 9 điểm trường khó khăn nhất của trường mầm non xã Lóng Sập được hưởng dự án. Cô giáo Nguyễn Thị Quyên, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Lóng Sập, chia sẻ: "Từ khi Dự án “Nuôi em Mộc Châu” triển khai tại Trường mầm non Lóng Sập hỗ trợ rất nhiều cho nhà trường trong công tác giáo dục. Đó là duy trì sĩ số trẻ đến lớp đều hơn, trẻ được ăn ngon, ăn no và đầy đủ dinh dưỡng. Từ đó trẻ hăng say học tập và trẻ thông minh hơn."
Mục tiêu ban đầu của dự án là hỗ trợ điểm trường mầm non bản Phiêng Cài, nằm trong kế hoạch phấn đấu đưa bản Phiêng Cài thành bản không có ma túy với điểm trường 54 em nhỏ đầu tiên. Sau đó dự án được các mạnh thường quân khắp cả nước ủng hộ. Đến nay đã có 41 điểm trường thuộc hai huyện Mộc Châu, Vân Hồ với 1 nghìn 878 em nhỏ được nhận nuôi cơm trưa. Kết quả 2 năm học của các điểm trường cho thấy, tỉ lệ chuyên cần của học sinh tăng từ 65 lên 100%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 43% xuống còn 0% trong cả năm học.
Trung úy Dương Hải Anh cho biết thêm: "Mỗi em nhỏ trong dự án được định danh bằng một mã nuôi em, mã này sẽ không trùng lặp và mỗi người nhận nuôi sẽ được cấp 1 mã. Bữa cơm sẽ có giá trị là 6.800 đồng và một tháng các em đi học khoảng 22-23 ngày thì đều được ăn trưa với những thực đơn được thay đổi theo tuần có đầy đủ dinh dưỡng như thịt, cá, rau đậu."
Lễ khánh thành và bàn giao “Ngôi nhà hạnh phúc” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại xã biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: VOV |
Với tâm nguyện “Xây cho em hạnh phúc, xây cho em tương lai tươi sáng”, Trung úy Dương Hải Anh còn là chủ Dự án “Hạnh phúc cho Em” với xứ mệnh xây dựng nhà và xóa các điểm trường tạm cho các huyện vùng cao.
Từ tháng 12 năm ngoái, Dự án đã kêu gọi được 03 ngôi nhà hạnh phúc tại huyện Mộc Châu, Vân Hồ và huyện Quỳnh Nhai. Trong đó, ngôi nhà cho em Hà Thị Hình ở bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, đã được hoàn thiện và được khánh thành vào tháng 4 năm nay. Em Hà Thị Hình, sống cùng mẹ và bà ngoại trong ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo. Mẹ em bị khuyết tật vận động nên không có khả năng lao động, còn bà lại bị tật nguyền, nên công việc nhà dồn lên đôi vai của Hình. "Hôm nay con được nhận xe đạp và nhà mới, con rất hạnh phúc. Con xin hứa học tập thật tốt”. - Hinh nói.
Những “Ngôi nhà Hạnh Phúc” đã được xây dựng, Trung úy Dương Hải Anh mong muốn tiếp tục nhân lên những con số “hạnh phúc”, xây dựng thêm nhiều ngôi nhà, ngôi trường ở các xã biên giới khó khăn khác tại tỉnh Sơn La: "Trong thời gian tới, dự án đặt mục tiêu hỗ trợ xóa hết toàn bộ điểm trường tạm tại tỉnh Sơn La và hỗ trợ 100 ngôi nhà hạnh phúc giúp cho các hoàn cảnh khó khăn thay đổi cuộc đời."
Với những gì Trung úy Dương Hải Anh và các đồng đội đã và đang làm từ Dự án “Nuôi em Mộc Châu” và “Hạnh Phúc cho em” hi vọng sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm và ủng hộ từ cộng đồng, tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp cùng những thông điệp ý nghĩa, cùng nhau chắp cánh những ước mơ và nối dài thêm con đường tiến tới tương lai của các em học sinh vùng cao biên giới.