Trong thời khắc cuối cùng của chiến tranh vào ngày 30/4/1975, có vị Chuẩn tướng quyền Tổng Tham mưu trưởng quân đội chính quyền Sài Gòn luôn được nhắc đến như một nhân chứng đặc biệt, bởi ông còn là một cơ sở của Tình báo chiến lược Quân Giải phóng mang bí số S7- Sao Mai.
Sau năm 1975, ông là một nhân sĩ yêu nước trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Sáng 29/9/2019 ông từ trần tại TP. Hồ Chí Minh, thọ 95 tuổi.
|
Ông là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh thời Chính quyền Sài Gòn trước ngày 30/4/1975. Ông sinh năm 1924 tại ấp Phú Thuận, xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trí thức. Ông nội ông là một nhà nho, kiến thức uyên thâm, nổi tiếng khắp vùng về sự am hiểu lễ giáo và đối nhân xử thế, Nguyễn Hữu Hạnh là người có nhiều ảnh hưởng từ ông nội, được ông dạy nhiều điều hay lẽ phải, về tinh thần yêu quê hương đất nước, nhất là phải giữ được lòng tự trọng của người có học.
Sinh thời, giữ thế kẻ sĩ của người có học, ông từng không chịu tham gia làm hương chức hội tề với quan niệm “Làm dân tốt hơn làm làng”. Ông thường giảng dạy cho con cháu về đạo của người quân tử, về nhân - nghĩa - lễ - trí - tín, sống tốt đẹp và có ích cho đời.
Một quân nhân không thích dùng vũ khí.
Năm 1945, ông tốt nghiệp trung học chương trình Pháp tại Mỹ Tho với văn bằng tú tài. Đầu năm 1949, ông vào Quân đội Liên hiệp Pháp theo lệnh động viên, theo học tại Trường Võ bị Địa phương Nam Việt Vũng Tàu, và tốt nghiệp cuối năm đó với cấp bậc Chuẩn úy.
Ra trường, ông được điều đi phục vụ tại một đơn vị bộ binh, giữ chức trung đội trưởng, dưới quyền Thiếu úy đại đội trưởng Dương Văn Minh, từ đây mối quan hệ này trở nên thân tình giữa hai người và có nhiều ảnh hưởng cho nhau về sau. Giữa năm 1950, ông được thăng cấp Thiếu úy tại nhiệm, rồi lên Trung úy, đại đội trưởng bộ binh vào cuối năm 1951.
Năm 1952, thăng cấp Đại úy và giữ chức vụ Tham mưu trưởng Phân khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1954, ông làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 30 Việt Nam Biệt lập. Tháng 9/1955, ông giữ chức Tham mưu trưởng Chiến dịch Hoàng Diệu đánh quân giáo phái Hòa Hảo, đến Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu đánh quân giáo phái Cao Đài, ông được thăng cấp Trung tá, dưới quyền Đại tá Dương Văn Minh. Tháng 8/1958, ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Trường Fort Leavenworth, Tiểu bang Kansas (Mỹ) trong 42 tuần.
Năm 1960, ông trở thành Tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô (sau đổi thành Biệt khu Thủ đô). Đầu năm 1963, ông được thăng cấp Đại tá giữ chức vụ Tham mưu trưởng Quân đoàn IV. Năm 1967, ông giữ chức vụ Phó Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh. Năm 1968 ông làm Tư lệnh Biệt khu 44 (bao gồm Hà Tiên, Châu Đốc, Kiến Phong và Kiến Tường).
Trong nhiều lần đối mặt với lực lượng Quân Giải phóng, ông thường lệnh cho binh lính đánh ở thế giằng co mà không tiến chiếm mục tiêu. Khi Quân giải phóng rút, ông cũng ra lệnh thu quân không đánh tiếp. Các cố vấn Mỹ mỉa mai gọi ông là “Tư lệnh thận trọng”, “Tư lệnh không bao giờ chiếm mục tiêu”.
Năm 1969, ông trở lại Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV, làm Phó Tư lệnh. Ngày 19/6/1970, được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Trung tuần tháng 5/1972, ông thuyên chuyển ra Bộ tư lệnh Quân đoàn II giữ chức Phó Tư lệnh. Giữa năm 1973, ông thuyên chuyển ra Quân đoàn I, làm Chánh Thanh tra Quân đoàn.
Ngày 15/5/1974, ở tuổi 48, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh nhận được quyết định về hưu do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký. Ngày 28/4/1975, sau khi Đại tướng Dương Văn Minh trở thành Tổng thống, ông được phân công giữ chức phụ tá rồi giữ quyền Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Sài Gòn.
Ngay sau đó, ông Hạnh đã ra tuyên bố kêu gọi binh sĩ “án binh bất động” đến khi có lệnh mới của ông. Và chính ông là người tác động tâm lý để Tướng Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng, tránh thương vong đổ máu cũng như gây đổ nát thành phố Sài Gòn.
Đám tang và người mang bí số S7
Tháng 10/1963, tại xã Phú Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) diễn ra một đám tang rất đặc biệt. Người quá cố là ông Nguyễn Hữu Điệt, cha ruột đại tá Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 Vùng 4 chiến thuật Nguyễn Hữu Hạnh. Trước khi nhắm mắt, ông trăn trối với con trai ước nguyện của mình là được chôn cất ở quê hương, bên cạnh phần mộ của tổ tiên.
Đây là điều rất khó nghĩ đối với ông Nguyễn Hữu Hạnh vì phần mộ tổ tiên đang nằm tại vùng Mặt trận Giải phóng kiểm soát. Ông đã quyết định thương lượng với Mặt trận Giải phóng xã Phú Phong xin được an táng cha nơi vùng đất thuộc quyền kiểm soát của cách mạng. Ông liên hệ với ông Chín Quá, một người bà con là người của cách mạng, nhờ xin phép cho ông được thực hiện ước nguyện của cha mình.
Chính quyền xã Phú Phong đồng ý với điều kiện hai bên phải ngừng bắn trong 3 ngày. Đám tang diễn ra suôn sẻ, an toàn, hai bên tuân thủ nghiêm ngặt lệnh ngừng bắn. 3 ngày sau, ông lại bày tỏ nguyện vọng được đến thăm mộ cha bằng trực thăng. Phía cách mạng lại đồng ý với điều kiện ông đi một mình, không có chiếc trực thăng nào theo hộ tống, ông thực hiện đúng giao ước và trở về Cần Thơ bình an.
Cũng từ đây, ông Nguyễn Hữu Hạnh trở thành mối quan tâm số một của Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam. Nhiệm vụ tiếp cận, vận động, giao cho ông Nguyễn Tấn Thành, là bác họ của ông Nguyễn Hữu Hạnh. Ông Thành đã hai lần bị địch bắt, nhưng được ông Hạnh tìm cách cứu thoát. Ông Thành đã tác động hướng ông Hạnh đứng về phía cách mạng. Từ đây, ông được mang mật danh là S7 - Sao Mai, cho tới ngày 30/4/1975.
Từ khi hợp tác với cách mạng, không những thực hiện những yêu cầu của Trung ương Cục miền Nam, ông còn tự giác ứng phó trong mọi tình huống, không để điều gì bất lợi xảy ra cho nhân dân, cho cách mạng. Năm 1967, với tư cách là Phó Tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh tại Bạc Liêu, ông ra lệnh cho binh sĩ: “Trong lúc hành quân, trực thăng võ trang phải thận trọng, khi nào dưới đất bắn lên thì mới bắn lại chứ không tự ý xả đạn lung tung”.
Năm 1968, ông đã giúp một cán bộ Quân Giải phóng thoát án tù vì bị bắt khi vận chuyển vũ khí vào vùng cấm…. Năm 1969, ông được phong chuẩn tướng, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, một thuận lợi cho cách mạng vì Quân đoàn 4 có nhiệm vụ án ngữ miền Tây trong ý đồ chiến lược của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh trả lời phỏng vấn của Hãng tin Reuters
|
“Điệp vụ Big Minh”
Trong cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm năm 1963, ông Nguyễn Hữu Hạnh đã ngầm ủng hộ tướng Dương Văn Minh- Big Minh (Minh lớn). Năm 1968, dưới sức ép của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu phải chấp nhận cho Big Minh về nước, kết thúc một thời gian dài sống lưu vong tại Thái Lan. Ông Nguyễn Hữu Hạnh được Trung ương Cục miền Nam giao tiếp cận và vận động Tướng Dương Văn Minh.
Trước đó, vào năm 1960, theo yêu cầu của Ban Binh vận Xứ ủy Nam Bộ (sau này là Trung ương Cục miền Nam), ông Võ Văn Thời, Cục trưởng Cục Địch vận điều động ông Dương Thanh Nhựt là em ruột ông Dương Văn Minh giao nhiệm vụ về miền Nam vận động anh mình.
Ngày 1/1/1963, Big Minh (Minh lớn) nhân danh Chủ tịch Hội đồng quân nhân cách mạng phát lệnh đảo chính Ngô Đình Diệm và lên làm Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa. Trong thời gian làm Quốc trưởng, Big Minh có một số hành động có lợi cho cách mạng: Ra lệnh hủy bỏ 16.000 ấp chiến lược; Từ chối yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara và tướng Harkin để cho Mỹ ném bom nổ chậm trên đê sông Hồng, vì làm như thế là “Inhumain” (vô nhân đạo);
Không trả lời đề nghị yêu cầu chuẩn y và thực hiện kế hoạch 34A (hoạt động gián điệp, biệt kích chống miền Bắc) của đại sứ Cabot Lodge; Và theo lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Big Minh tỏ ý muốn thương lượng để tuyển cử tự do, thực hiện một chế độ trung lập, lập chính phủ liên hiệp.
Mỹ chỉ thị cho chính quyền Sài Gòn phong Big Minh lên Đại tướng và cử làm đại sứ lưu động ở Đài Loan, sau đó lại chuyển sang lưu vong ở Thái Lan, có sự giám sát của CIA. Khi Big Minh được về nước, chấm dứt thời gian sống lưu vong, cuối năm 1970, theo chỉ đạo của Trung ương và Trung ương Cục miền Nam, Ban Binh vận Trung ương Cục chọn Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh S7 - Sao Mai tiếp cận Big Minh.
Mọi việc đang trên đà tiến triển thuận lợi thì ông Hạnh đột ngột bị thuyên chuyển lên Tây Nguyên làm Phó Tư lệnh Quân đoàn 2. Ngày 15/5/1974, ông nhận được quyết định về hưu do chính Nguyễn Văn Thiệu ký, ý đồ sâu xa là muốn loại bỏ bớt những tướng tá ngã theo Big Minh. Nhưng rồi “điệp vụ Big Minh” cũng được tiến hành.
Ngày 28/4/1975, ông Hạnh từ Cần Thơ lên Sài Gòn. 15h cùng ngày, Big Minh nhậm chức Tổng thống. Ngày 29/4/1975, ông được ông Big Minh phân công giữ chức Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng, 13 giờ Chủ nhật 29/4, ông Hạnh ngồi vào ghế quyền Tổng Tham mưu trưởng.
Từng là trưởng phòng 2 (tình báo) Bộ Tư lệnh hành quân, từng đi Mỹ học tình báo chiến thuật, chiến lược, phản gián và lật đổ, được quyền dùng bất kỳ thủ đoạn nào, miễn là đạt được mục đích..., lại từng là Phó giám đốc Đại học Võ bị Đà Lạt nên ông Hạnh có cái nhìn bao quát cục diện chiến trường. Nắm được ý của Big Minh là “không chống cự”, lại được chỉ đạo của Ban Binh vận nên ông Hạnh điều binh khiển tướng theo ý mình.
12 năm cho điệp vụ cuối cùng
Tính từ lúc được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam móc nối năm 1963, gần 12 năm “thầm lặng”. Trước tình hình “nóng”, ông Hạnh đề nghị Big Minh: “Tình hình này, Tổng thống cần quyết định ngay, trì hoãn chỉ có hại! Về quân sự thì không thể làm gì được nữa rồi”.
Biết Trung tướng Nguyễn Văn Toàn- Tư lệnh Quân đoàn 3 ở Biên Hòa vẫn còn 3 sư thiện chiến và nhiều lữ đoàn phối hợp, trước đó, đã từng yêu cầu cho máy bay chiến lược B52 chặn đường tiến công của Quân Giải phóng trước cửa ngõ Sài Gòn, nhưng đến ngày 29/4 đã bị ông Hạnh “vô hiệu hóa” bằng lệnh “án binh bất động”.
Nhưng khi Tướng Lê Minh Đảo đề nghị phá sập cầu Đồng Nai thì ông Hạnh lệnh: “Chưa được phép phá cầu. Quân ta còn cơ động, có thể còn phản công nữa chứ. Khi cần thiết, sẽ cho không quân ném bom”... Đề phòng có đơn vị nào tự ý phá cầu mà không báo cáo, ông lệnh cho Trung tâm hành quân truyền đạt lệnh Bộ Tổng tham mưu cấm phá bất cứ cầu nào.
Tướng Nguyễn Khoa Nam - Tư lệnh Quân đoàn 4, một trong ít tướng lì lợm, lực lượng vẫn chưa bị sứt mẻ được ông Hạnh lệnh ở nguyên vị trí chờ lệnh. Tướng Lâm Văn Phát - Tư lệnh mới của Biệt khu Thủ đô muốn điều quân chốt ở Bà Quẹo để chặn Quân Giải phóng, ông không chấp nhận, viện cớ Tổng thống không cho phép điều động quân…
Ngày 29/4/1975, Tổng thống Dương Văn Minh, Phó Tổng thống Nguyễn Văn Huyền và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu bàn và ra lệnh cho Giám đốc Nha cảnh sát đô thành Triệu Quốc Mạnh thả tù binh chính trị; Gửi công văn yêu cầu Đại sứ Mỹ Martin cho cơ quan Viện trợ quân sự Mỹ (DAO) rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 giờ để giải quyết hòa bình ở Việt Nam.
9h ngày 30/4/1975, ông Minh đọc vào máy ghi âm: “Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự tránh đổ máu vô ích của đồng bào”.
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cũng thảo một nhật lệnh yêu cầu tướng tá và binh sĩ chế độ Sài Gòn thi hành lệnh của Tổng thống ngay tức khắc. Rồi cũng đến 11h30 ngày 30/4/1975…và ông Nguyễn Hữu Hạnh, bí số S7- Sao Mai hoàn thành nhiệm vụ.
Sau năm 1975, ông Hạnh giữ chức vụ Tổng thư ký Hội Nhân dân bảo trợ nhà trường, sau được bầu là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là nhân sĩ yêu nước. Ông đã sống trọn một đời không hổ thẹn với nghĩa khí và lòng yêu nước truyền thống của dòng tộc.