(VOV5) - Tết Tân Sửu thật đặc biệt, vì tất cả mọi người đều đã trải qua những tháng ngày khó khăn để đến với Tết.
Hơn thế nữa, dịch bệnh đã khiến nhiều người không được vui Tết bên người thân và gia đình, nhất là các bác sỹ trên tuyến đầu chống dịch. Giờ đây, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên khắp thế giới và cả ở Việt Nam.
Niềm vui đón Tết của người Việt bao hàm cả chữ an toàn trong dịch bệnh cho người Việt và cộng đồng thế giới. Người Việt sẽ lại viết tiếp câu chuyện yêu thương trong phòng chống dịch Covid -19 cùng cộng đồng thế giới trong năm Tân Sửu này.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu đã tạm gác những ngày Tết với gia đình để vào bệnh viện cùng các cộng sự sẵn sàng chống dịch Covid -19. Ông cho biết việc có các ca lây nhiễm trong cộng đồng không nguy hiểm bằng việc bệnh viện trở thành nơi phát tán dịch bệnh. Chính vì vậy, đội ngũ bác sỹ Việt Nam trong đó có ông sẽ tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo vệ bản thân và bảo vệ cả cộng đồng.
Bác sỹ Nguyễn Lân Hiếu |
Ông chạnh lòng, đồng cảm với rất nhiều người Việt ở nước ngoài không thể về đón Tết ở quê hương: "Tết này tôi nghĩ chúng ta có những cảm xúc khác. Đó là cảm xúc tự hào về Việt Nam. Đồng bào ta ở mọi miền trái đất cũng sẽ có cảm xúc đó. Mỗi chuyến bay đưa người Việt từ nước ngoài về đều là những chuyến bay đầy ắp tinh yêu thương. Chính phủ, người dân phải vượt qua nghìn trùng khó khăn, trắc trở để có được những chuyến bay đó. Hiện còn hàng nghìn kiều bào ta không được về quê hương đón Tết. Tôi muốn chia sẻ với những kiều bào và người thân trong nước không được đoàn tụ cùng gia đình. Chúng ta hy vọng đại dịch sẽ qua đi và Tết sang năm sẽ là một cái Tết đoàn viên, vui hơn Tết này."
Còn với Cao Thanh Hà, cô đã hoàn toàn trở lại với nhịp điệu công việc ở phòng tiếng Anh như trước khi sang Hàn Quốc làm chuyên gia hiệu đính. Cô chia sẻ: Tôi thấy mọi thứ vẫn đang vận động. Dù đại dịch có thể khiến một số công việc bị khó khăn nhưng chúng ta vẫn đang vận động, tiến lên. Bản thân tôi có thể coi là đại diện của lớp trẻ, tôi thấy không có gì đáng ngại, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc, cống hiến. Tôi nghĩ rộng ra thì thế hệ trẻ Việt Nam cũng như thế thôi, ngày càng phấn đấu tiến lên phía trước.
Cao Thanh Hà đã trở lại công việc ở phòng tiếng Anh, Ban đối ngoại VOV5.
Ảnh nhân vật cung cấp |
Trong khi đó, chuyên gia người Hàn Kim Yoon-ji vẫn đồng hành cùng các cộng sự người Việt ngày ngày sản xuất các chương trình phát thanh tiếng Hàn quốc phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Cô nói sẽ chia sẻ với bạn bè nhiều ấn tượng về đất nước và con người Việt Nam: "Chắc chắn là tôi sẽ nói những điều thật tốt đẹp về các bạn. Tôi có bạn thân người Hàn quốc nên tôi sẽ rủ họ hãy nhớ đến Việt Nam du lịch, rồi ghé thăm nhà tôi chơi, tôi sẽ hết lòng thiết đãi những món ăn ngon, tôi cũng sẽ dẫn họ đến những địa điểm du lịch, nghỉ dưỡng thật hấp dẫn. Tôi cảm thấy Việt Nam quả thực là một xứ sở vô cùng tuyệt vời, tôi coi như nhà của mình vậy. Cho nên khi những người khác đến nhà mình, tôi sẽ cảm thấy rất thoải mái, sẵn sàng dành thời gian cùng họ để thư giãn tâm hồn. Tôi sẽ nói với tất cả bạn bè, người thân của mình rằng hãy đến Việt Nam đi, hãy đến thăm nhà của tôi đi!
Ở phương trời xa hơn, bà Trương Tú Thủy đã mở lớp dạy tiếng Việt cho người Indonesia tại Jarkarta. Lớp học miễn phí của bà như một sự lan tỏa tinh thần yêu thương của người Việt cho cộng đồng người Indonesia trong tâm dịch. Như vậy, bà cùng những người Việt và người nước ngoài ở Việt Nam đã trải nghiệm yêu thương trong dịch bệnh Covid giờ đây lại tiếp tục bồi đắp, lan tỏa câu chuyện yêu thương của người Việt đến cộng đồng quốc tế.
Một mùa xuân mới đang tới, những sum họp, quây quần bên gia đình nếu có thể, sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch Covid dịp Tết này, sẽ là nền tảng văn hóa để người Việt vững vàng bước đi trong năm tới.