(VOV5) - Mặc dù cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã đạt được những kết quả đáng kể trong 20 năm qua, song thực tế chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa chấm dứt.
Ngày 11/9/2021 đánh dấu tròn 20 năm kể từ sau loạt vụ khủng bố kinh hoàng tấn công giữa lòng nước Mỹ. 20 năm đã qua đi nhưng nỗi đau về sự mất mát sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 thì mãi mãi hằn sâu trong ký ức của người dân Mỹ và cộng đồng thế giới, từ đó nhắc nhở nhân loại về những bài học không được phép lãng quên.
Khói bốc lên sau khi 2 máy bay chở khách lao vào tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York ngày 11/9/2001. Ảnh: Getty |
Ngày 11/9/2001, cả thế giới rúng động khi 19 đối tượng khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất Mỹ.
Gần 3.000 người đã thiệt mạng gồm công dân của 78 quốc gia. Hơn 6.000 người khác bị thương, thiệt hại về tài sản và cơ sở hạ tầng ít nhất 10 tỉ USD, tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3 nghìn tỷ USD. Bên cạnh đó, thảm kịch 11/9/2001 đã để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng với người dân Mỹ. Kể từ đó, chính quyền Mỹ đã phát động cuộc chiến chống khủng bố kéo dài nhất trong lịch sử.
Tên của những nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9 được khắc lên thành của 2 hồ nước từng là nơi Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tồn tại. Ảnh: USA Today |
Cuộc chiến chưa có hồi kết
Theo thống kê, từ khi bước vào vòng xoáy của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu từ năm 2001 đến nay, Mỹ đã phải tiêu tốn khoảng 6.400 tỷ USD, tập trung chủ yếu ở Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria và Yemen.
Cuộc chiến tốn kém này trong 20 năm qua cũng đã giúp Mỹ và liên minh chống khủng bố đạt được những kết quả nhất định, như tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden, ngăn chặn được đáng kể số vụ tấn công khủng bố xảy ra trên đất Mỹ, làm suy yếu nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), giải phóng hàng chục triệu người khỏi sự kìm kẹp của hàng chục nghìn tay súng khủng bố. Đặc biệt, tháng 10/2019, Mỹ tuyên bố tiêu diệt thủ lĩnh khét tiếng của IS Abu Bakr al-Baghdadi trong một cuộc đột kích tại Tây Bắc Syria, đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Việc kẻ cầm đầu của đế chế Hồi giáo này bị tiêu diệt được coi là thành công lớn nhất của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào năm 2001.
Nhưng các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu đã đạt được những kết quả đáng kể trong 20 năm qua, song thực tế chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có xu hướng phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn. Nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu bởi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ”, trái lại còn có xu hướng lan rộng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp. Số quốc gia chịu tác động của tình trạng bạo lực cực đoan cũng tiếp tục tăng lên.
Đến nay, ở Afghanistan, lực lượng Taliban đã chiếm quyền lãnh đạo đất nước. Mặc dù Mỹ đã rút quân hoàn toàn khỏi Afghanistan, nhưng những bất ổn đang diễn ra ở đây tiếp tục là một thách thức trên con đường hòa bình của Afghanistan. Còn ở Iraq, tuy chính quyền Mỹ đã tuyên bố quét sạch tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) song khả năng hồi sinh của IS vẫn đang là thách thức với chính quyền Iraq. Một thực tế là không lâu sau khi thủ lĩnh IS al-Baghdadi bị tiêu diệt, IS đã ngay lập tức chỉ định Abdullah Qardash, một trong những lãnh đạo cấp cao của IS phụ trách các vấn đề Hồi giáo làm thủ lĩnh mới thay thế. Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ tư tưởng cực đoan của tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn…
Những bài học cần suy ngẫm
Sau 20 năm kể từ sự kiện kinh hoàng 11/9, người dân Mỹ và thế giới lại không quên nhắc nhở nhau về những bài học đáng nhớ. Vụ khủng bố ngày 11/9/2001 khiến thế giới thấm thía rằng chủ nghĩa khủng bố tồn tại không có biên giới. Không một nước nào có thể được coi là miễn nhiễm với khủng bố và công tác kiểm soát an ninh luôn là chìa khóa then chốt để ngăn chặn bất cứ âm mư khủng bố nào. Và quan trọng nhất, những bất ổn chính trị hoặc các cuộc xung đột ở các quốc gia chính là nơi dung dưỡng cho chủ nghĩa khủng bố.
Trải qua 20 năm, cuộc chiến ở Afghanistan đã tiêu tốn của nước Mỹ hàng nghìn tỷ USD và cướp đi hàng nghìn binh sĩ. Trong bài phát biểu hôm 31/8, Tổng thống Joe Biden tuyên bố khép lại kỷ nguyên sa lầy của Washington trong “cuộc chiến không có hồi kết”. Chống khủng bố vẫn là mục tiêu an ninh quốc tế hàng đầu của nước Mỹ, nhưng Washington không còn ưu tiên sử dụng lực lượng quân sự, mà sẽ giải quyết các mối đe dọa khủng bố trên thế giới thông qua mạng lưới tình báo và sự phối hợp với các đồng minh, các đối tác địa phương. Hai thập kỷ sau cuộc tấn công kinh hoàng song đến nay ý nghĩa về nỗi đau mất mát ngày 11/9/2001 vẫn luôn để lại những bài học đắt giá cho thế giới.