(VOV5) - Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế tính đến tháng 5/2018, cả nước đã có gần 26 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD.
Năm 2018 này đánh dấu 30 năm nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Hơn 3 thập kỷ qua, khu vực vốn FDI này đã trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay còn nhiều bất ổn, những xung đột về địa chính trị vẫn diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ đang lan rộng trên thế giới, để nguồn vốn này đang tiếp tục giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế, Việt Nam đang có những bước đi cải cách mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Kể từ vào Việt Nam năm 1988, đầu tư nước ngoài đã tạo ra một phương thức thu hút đầu tư mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, "khơi dậy" và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư trong nước, giúp quảng bá thương hiệu quốc gia, từng bước nâng cao thế và lực của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Những con số ấn tượng
Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ kế hoạch đầu tư, sau 30 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế tính đến tháng 5/2018, cả nước đã có gần 26 nghìn dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 320 tỷ USD. Hiện nay, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của cả nước.
Tính đến hết tháng 6/2018, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI là hơn 20 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Kết quả này được nhiều chuyên gia kinh tế chia sẻ là điểm sáng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Với nền tảng ổn định địa chính trị, nằm ở vị trí thuận lợi trong khu vực ASEAN đang phát triển năng động, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty kiểm toán và đầu tư quốc tế KPMG chia sẻ: “Trong thời gian khoảng 1 năm trở lại đây đặc biệt là những tháng đầu của năm 2018 thì tại KPMG chưa bao giờ chúng tôi bận rộn như thế này, tiếp đón các nhà đầu tư họ muốn sang Việt Nam để đầu tư. Như vậy, độ quan tâm của các nhà đầu tư tới Việt Nam hiện nay là rất lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư Bắc Á”.
Thu hút FDI bằng cách đi mới trong bối cảnh mới
Tiềm năng là vậy nhưng bối cảnh kinh tế thế giới hiện đang có nhiều thay đổi. Đó là tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng, kéo theo dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài có nhiều biến động trong thời gian tới. Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng: “Đất nước thay đổi, thế giới thay đổi, FDI toàn cầu thay đổi đòi hỏi chúng ta cũng phải thay đổi định hướng và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Định hướng mới là tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững và thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghệ tương lai, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…Những định hướng này không phải chỉ từ những nước hiện nay đang hoạt động nhiều ở Việt Nam mà phải là những nước có công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Muốn vậy, chúng ta phải thay đổi cách làm, từ xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án, cải cách toàn diện về quản lý nhà nước.
Thời gian tới, dự báo cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra rất quyết liệt. Do vậy, đòi hỏi Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ quản lý nhà nước trong lĩnh vực thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh thực hiện tốt chính sách nhất quán của chính phủ Việt Nam về thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong 3 thập kỷ qua, đó là hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan theo hướng nhất quán, công khai minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư, Việt Nam cũng đang nỗ lực cải thiện khâu thực thi pháp luật, tăng cường đối thoại thực chất, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư. Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong khẳng định: “Chúng ta đang đi đúng hướng trong xu hướng hội nhập và tham gia vào chuỗi toàn cầu. Với tình hình đấy thì việc thu hút FDI nó phải là doanh nghiệp có thương hiệu, có các điều kiện và có những sản phẩm mà có giá trị gia tăng cao cũng như sẵn sàng chuyển giao cho Việt Nam và chúng ta có khả năng tiếp nhận. Công tác xúc tiến đầu tư phải chuyên nghiệp hơn, phải hướng tới những nơi mà phát nguồn công nghệ, phát nguồn thương hiệu, phát nguồn về sản phẩm để từ đó phát huy tốt”.
Phải chuyển hướng sang đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, có định hướng và ưu tiên các tiêu chí như sản xuất xanh, đảm bảo môi trường sạch là quan điểm của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và đầu tư: “Trong bối cảnh mới này, chúng ta phải thu hút đầu tư có chọn lọc. Khi luật chúng ta đã có, bình đẳng các thành phần kinh tế rồi và chúng ta đã tham gia rất nhiều các Hiệp định kinh tế song phương và đa phương, thì phải làm thế nào để thu hút đầu tư có chọn lọc, phải có hàng rào kỹ thuật”.
Sự ổn định kinh tế chính trị, liên tục cải cách môi trường đầu tư kinh doanh là lợi thế lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xu hướng bảo hộ vẫn đang lan rộng trên thế giới, để nguồn vốn FDI tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cũng không ngừng tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng và hiệu quả dòng vốn FDI.