Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 31

(VOV5) - Tuần lễ cấp cao APEC năm nay với chủ đề “Trao quyền, Bao trùm, Tăng trưởng”. 

Diễn ra từ 11-16/11 tại thủ đô Lima, Peru, Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 được kỳ vọng duy trì được động lực đối thoại quan trọng giữa các nền kinh tế thành viên, qua đó thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh thương mại thế giới đối mặt nhiều thách thức.

Tuần lễ cấp cao APEC năm nay sẽ diễn ra một loạt các hoạt động, trong đó trọng tâm là từ 14-16/11 khi diễn ra các phiên họp cấp cao với sự tham dự của nguyên thủ nhiều nền kinh tế thành viên APEC.

Định hình vai trò của APEC

Tuần lễ cấp cao APEC tại thủ đô Lima, Peru khép lại một năm quan trọng đối với APEC khi đây là cột mốc đánh dấu 35 năm APEC ra đời (1989), do đó các thành viên đều có nhu cầu rà soát, đánh giá các kết quả và xác định phương hướng hợp tác trong giai đoạn mới. Chủ đề “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng” trong Năm APEC 2024 được nước chủ nhà Peru thúc đẩy 3 ưu tiên chính, gồm: thương mại và đầu tư vì tăng trưởng bao trùm và kết nối; Đổi mới sáng tạo và số hóa nhằm thúc đẩy chuyển đổi từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức và toàn cầu; Tăng trưởng bền vững vì phát triển tự cường.

Trọng tâm của Tuần lễ cấp cao APEC 2024 là các hội nghị cấp cao diễn ra từ ngày 14-16/11, gồm các hoạt động chính, như: Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 31 tập trung trao đổi về thúc đẩy chương trình nghị sự phát triển bao trùm và thực hiện tầm nhìn và các kế hoạch hành động của APEC; Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo APEC và các Nhà Lãnh đạo khách mời về tăng cường hiệu quả hợp tác APEC và thúc đẩy liên kết kinh tế liên khu vực; Đối thoại giữa các Nhà Lãnh đạo APEC với Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC); Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) với chủ đề “Cửa ngõ tới vùng đất của cơ hội”. Ngoài ra, một số phiên thảo luận đáng chú ý khác cũng được tổ chức, như: vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng dân cư bản địa vào quá trình phát triển... Bộ trưởng Thông tin đất đai New Zealand, ông Chris Penk, cho rằng trong bối cảnh gia tăng bất ổn thương mại hiện nay trên thế giới, APEC càng có vai trò quan trọng hơn: “APEC là diễn đàn hàng đầu của khu vực chấu Á-Thái Bình Dương trong việc thúc đẩy các ý tưởng nhằm cải thiện và gia tăng thương mại, đồng thời APEC vẫn giữ được vai trò truyền thống là lò ươm các ý tưởng. Đây là điều hết sức đáng trân trọng, đặc biệt trong thời điểm đang có những thách thức lớn, cả trong khu vực và toàn cầu, có thể đe dọa môi trường thương mại tự do và năng động mà chúng ta muốn khích lệ”.

Diễn ra trong bối cảnh địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, với các cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine, Trung Đông, Tuần lễ cấp cao APEC tại Lima cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo cấp cao các nước, qua đó tạo nên hiệu ứng địa chính trị quan trọng giống như năm ngoái tại San Francisco (Mỹ), sau cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ, Joe Biden va Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping). Quan chức cấp cao phụ trách APEC của Peru, ông Renato Reyes, cho biết: “APEC được thành lập từ năm 1989 như một diễn đàn phi chính trị, không cho phép các vấn đề địa chính trị xâm nhập. Tuy nhiên, điều này đang thay đổi. Chúng ta đã thấy trong khoảng hơn 3 năm nay, việc APEC đã đáp ứng với thực tế mới này ra sao và tôi nghĩ đó cũng là điểm mạnh mới của APEC”.

Các chủ đề quan trọng bên lề

Một chủ đề đáng chú ý khác có thể tạo nên nhiều thảo luận tại Tuần lễ cấp cao APEC năm nay, dù không có trong nghị trình chính thức, là các tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới đây đối với thương mại toàn cầu, trước hết là với thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Theo giới quan sát, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ buộc nhiều nền kinh tế APEC phải chuẩn bị những kịch bản ứng phó nếu có thay đổi chính sách thương mại từ Mỹ bởi trong chiến dịch tranh cử Tổng thống, ông Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ gia tăng việc đánh thuế nhập khẩu hàng hóa vào Mỹ đối với tất cả các đối tác kinh tế, thấp nhất là 10% và cao nhất có thể lên tới 60%, thậm chí là 100% với một số mặt hàng cụ thể từ một số nước. Các tuyên bố này làm dấy lên hoài nghi về việc liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ, Joe Biden có thể đưa ra các cam kết đủ bền vững hay không đối với các ưu tiên tương lai của APEC, dù ông Joe Biden sẽ trực tiếp tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Lima. Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Tây bán cầu, ông Brian Nichols, cho rằng nước Mỹ luôn cam kết với APEC trong hơn 3 thập kỷ qua và điều này ít có khả năng thay đổi dưới thời chính quyền mới: “Người dân Mỹ đã lựa chọn Tổng thống tiếp theo và chúng tôi chờ đợi chính quyền kế tiếp hoạch định các chính sách và mục tiêu riêng, nhưng nước Mỹ đã trải qua nhiều đời Tổng thống từ khi APEC ra đời và chúng tôi liên tục giữ vững các cam kết chủ động với khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong suốt hơn 30 năm qua. Do đó, chúng tôi vẫn hào hứng với các hợp tác với APEC trong nhiều năm tới”.

Ngoài tác động của sự thay đổi chính quyền tại Mỹ đối với hợp tác APEC, một sự kiện bên lề khác trong Tuần lễ cấp cao APEC cũng thu hút sự quan tâm lớn là việc gia tăng hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc với các quốc gia Mỹ La-tinh và đặc biệt là nước chủ nhà Peru. Trong chuyến công du dự Tuần lễ cấp cao APEC, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping) dự kiến sẽ cùng lãnh đạo Peru khánh thành cảng Chancay, nằm cách thủ đô Lima khoảng 80km. Đây là cảng nước sâu lớn nhất Nam Mỹ, do tập đoàn Cosco của Trung Quốc xây dựng với kinh phí lên tới 3,5 tỷ USD. Sau khi đi vào hoạt động, đây dự kiến sẽ trở thành cảng trung tâm của toàn bộ Nam Mỹ trong giao thương với các quốc gia châu Á do rút ngắn đến 1 nửa thời gian vận chuyển hàng bằng đường biển từ Nam Mỹ sang Đông Á (từ 40 ngày xuống 20 ngày) do không phải vòng lên phía Bắc đi qua kênh đào Panama.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác