(VOV5) - Cách đây 40 năm, ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt chặng đường 40 năm ấy, quan hệ giữa hai nước đã phát triển không ngừng và Việt Nam với Nhật bản đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trên tất cả mọi lĩnh vực. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về chặng đường hợp tác 40 năm qua cũng như những triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới.
|
Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, sau 40 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ. Việt Nam và Nhật bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế-thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển đến phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, văn hóa, giao lưu nhân dân… Từ năm 2009, hai nước đã nhất trí nâng quan hệ lên mức Đối tác chiến lược, vì hòa bình ổn định ở Châu Á. Bộ trưởng Phạm Bình Minh nêu rõ: Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, góp phần củng cố sự tin cậy chính trị giữa hai nước và đưa ra những chỉ đạo về phương hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác song phương. Cùng với cơ chế Ủy ban hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, các cơ chế đối thoại trên các lĩnh vực hợp tác cụ thể đã được hình thành, hợp tác giữa các bộ, ngành ngày càng được mở rộng, có hiệu quả thiết thực. Hai bên cũng tích cực phối hợp tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, hợp tác Mekong-Nhật Bản.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh chính quan hệ chính trị tốt đẹp đã tạo đà cho hợp tác kinh tế giữa hai nước phát triển mạnh mẽ. Hiện, Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nhà đầu tư lớn nhất, đồng cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức ODA lớn nhất cho Việt Nam. Kể từ khi nối lại ODA vào năm 1992 đến nay, Nhật Bản đã giành cho Việt Nam hơn 2.100 tỷ yên (tương đương 21 tỷ USD) vốn ODA, chiếm 30% tổng cam kết vốn ODA cho Việt Nam của cộng đồng quốc tế. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác song phương lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch đạt 24,7 USD trong năm 2012. Hai nước đã ký kết nhiều thỏa thuận trong đó có Hiệp định đối tác về hợp tác kinh tế Việt – Nhật đã tạo điều kiện thuận lợi và hành lang pháp lý cho các hoạt động hợp tác kinh tế. Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao, giao lưu giữa các địa phương diễn ra cũng rất sôi động. Năm 2012 có hơn 500 nghìn lượt người Nhật Bản đã sang thăm Việt Nam và hiện nay có hơn 20 nghìn lưu học sinh, tu nghiệp sinh đang học tập, lao động tại Nhật Bản. Đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và nhân dân hai nước nhằm vun đắp cho sự phát triển của quan hệ hai nước suốt 40 năm qua. Bộ trưởng Phạm Bình Minh khẳng định: Tôi cho rằng, quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển rất mạnh mẽ, tài sản chung quý giá của hai đất nước chính là sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác toàn diện, thể hiện qua việc hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với sự nhất trí cao của lãnh đạo và sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân hai nước. Đây là nền tảng quan trọng để đưa hợp tác Việt – Nhật ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Theo Bộ trưởng Phạm Bình Minh, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản không chỉ mới bắt nguồn từ 40 năm trước mà thực chất giao lưu giữa nhân dân Việt Nam và Nhật Bản đã có từ cách đây rất lâu. Hơn 400 năm trước, những thương thuyền của Nhật Bản đã tới Phố Hiến ở miền Bắc và Hội An ở miền Trung Việt Nam để buôn bán và hiện nơi đây vẫn còn dấu tích của sự giao lưu văn hoá, thương mại giữa hai nước. Cây cầu Nhật Bản ở phố cổ Hội An là điển hình của sự giao lưu này. Ngày nay, cùng với các kênh hợp tác giữa quốc hội, chính phủ, chính đảng hai nước thì hợp tác giao lưu giữa các địa phương, các tổ chức hữu nghị giữa nhân dân hai nước cũng giúp quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển sâu rộng hơn, đa dạng hơn và ngày càng hiệu quả. Văn hóa Việt Nam ngày càng hiện diện sâu đậm tại Nhật Bản và ngược lại, người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ ngày càng quen thuộc với hoa anh đào, trà đạo. Sự giao lưu ngày càng mật thiết cùng sự tương đồng về tập quán văn hóa đã giúp nhân dân hai nước trở nên gần gũi và dễ dàng hiểu nhau hơn: Ngoại giao nhân dân đã đóng góp rất quan trọng để củng cố nền tảng tình hữu nghị và sự phát triển bền vững của quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ngược lại nỗ lực của chính phủ hai bên cũng đã tạo môi trường ngày càng thuận lợi để tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Tôi tin tưởng rằng với sự tin cậy, tình cảm gắn bó giữa hai đất nước và nhân dân hai nước thì quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản sẽ tiếp tục phát triển bền vững.
Trên nền tảng quan hệ tốt đẹp 40 năm qua, Bộ trưởng Phạm Bình Minh tin tưởng quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.