(VOV5) - Nhiều nhà hoạt động quốc tế kêu gọi Mỹ và châu Âu giải phóng khoảng 9 tỷ USD đang đóng băng của Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền.
Ngày 15/8/2021, chỉ ít ngày sau khi quân đội Mỹ tuyên bố rút khỏi Afghanistan, lực lượng Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul, chính thức trở lại kiểm soát đất nước Afghanistan. Một năm sau sự kiện đặc biệt này, đất nước Afghanistan đang phải đối mặt với chồng chất khó khăn và thách thức, trong khi cuộc sống cuộc người dân bị xáo trộn nghiêm trọng, nhất là với nữ giới.
Ngân khố trống rỗng và thảm hoạ nhân đạo đe dọa cuộc sống của hàng triệu người dân là đánh giá chung của nhiều tổ chức và chuyên gia quốc tế về tình hình hiện tại ở Afghanistan, một năm sau khi Taliban lên nắm quyền lực.
Khoảng 95% dân số Afghanistan không đủ ăn mỗi ngày. Ảnh: Reuters |
Khó khăn chồng chất
Ngày 10/8 vừa qua, trong một bức thư đặc biệt gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden và Bộ trưởng tài chính Mỹ, 71 nhà kinh tế học và chuyên gia về phát triển quốc tế bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về thảm hoạ kinh tế và nhân đạo đang diễn ra ở Afghanistan. Nhóm các nhà kinh tế và chuyên gia này, trong đó có ông Joseph Stiglitz, người từng đoạt giải Nobel kinh tế và cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nhận định: hoạt động kinh tế lao dốc, viện trợ nước ngoài cắt giảm sau khi Mỹ rút quân, đã đẩy nền kinh tế Afghanistan rơi vào tình thế khó khăn. Đến nay, 70% hộ dân ở Afghanistan không thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản, khoảng 22,8 triệu người (tức hơn một nửa dân số), đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, trong đó khoảng ba triệu trẻ em có nguy cơ suy dinh dưỡng.
Trước đó, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế cũng đã công bố những báo cáo và số liệu đáng báo động về thực trạng nền kinh tế và an ninh lương thực tại Afghanistan. Trong đó, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock hồi cuối năm 2021 đã cảnh báo rằng "thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thời đại" ở Afghanistan và “các lĩnh vực của nền kinh tế đã sụp đổ, nhiều người đang chết đói".
Các báo cáo có chung đánh giá rằng nguyên nhân cơ bản của thực trạng này là sự sụt giảm đáng kể nguồn viện trợ từ bên ngoài vào Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền, trong khi lực lượng Taliban lại rất hạn chế về năng lực điều hành đất nước nói chung, việc thúc đẩy hoạt động kinh tế nói riêng. Thêm vào đó, Taliban ngày càng áp đặt thêm các biện pháp hạn chế hà khắc theo luật Hồi giáo Sharia, nhất là với phụ nữ, vừa làm mất đi một lượng lớn lao động, vừa gây xáo trộn nghiêm trọng trong hoạt động sản xuất kinh tế.
Một chiến binh Taliban canh giữ dinh tổng thống ở Kabul, ngày 13/8. Ảnh: AFP |
Cần sự chung tay giúp sức của cộng đồng quốc tế
Theo các chuyên gia, bối cảnh hiện nay đang khá bất lợi cho việc tăng cường viện trợ cũng như hợp tác quốc tế cho Afghanistan, khi hầu hết các nền kinh tế lớn phải dồn nguồn lực đối phó những khó khăn về kinh tế trong nước do tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine. Bên cạnh đó, việc Taliban tăng cường thực thi luật Hồi giáo Sharia hà khắc khiến cộng đồng quốc tế, và nhất là các nhà đầu tư, e ngại trong việc đưa tiền đầu tư vào Afghanistan.
Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực trợ giúp cho Afghanistan. Ngày 15/8, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) đã hối thúc các chính phủ và các nhà tài trợ gạt quan điểm chính trị sang một bên đối với chính quyền Taliban và nối lại viện trợ đến các cơ quan của Afghanistan nhằm giải quyết tình hình nhân đạo tại đây.
ICRC hiện là một trong số ít những bên quốc tế còn duy trì cung cấp viện trợ cho Afghanistan sau khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. Để bù đắp việc thiếu hụt ngân sách, ICRC đã hỗ trợ cho khoảng 33 bệnh viện để duy trì hoạt động, trả lương cho nhân viên, thậm chí là cung cấp nhiên liệu cho xe cứu thương và các suất ăn cho bệnh nhân. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc ICRC Robert Mardini nhấn mạnh đây không phải là giải pháp bền vững bởi các tổ chức nhân đạo không thể thay thế các cơ quan nhà nước. Do đó, ICRC mong muốn các chính phủ và các cơ quan phát triển nối lại viện trợ cho người dân Afghanistan.
Trong khi đó, nhiều nhà hoạt động quốc tế kêu gọi Mỹ và châu Âu giải phóng khoảng 9 tỷ USD đang đóng băng của Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền. Các nhà hoạt động nêu rõ việc giải phóng khoản tiền này sẽ giúp Ngân hàng Trung ương Afghanistan có nguồn lực để hoạt động, đảm bảo hệ thống tài chính và nền kinh tế Afghanistan không bị sụp đổ, tránh một thảm họa kinh tế và nhân đạo tồi tệ tại quốc gia Nam Á.