Ấm áp tình thầy trò

(VOV5) -  Ngày nhà giáo Việt Nam là một kỷ niệm được tổ chức vào ngày 20 tháng 11 hàng năm. Trên khắp cả nước đang diễn ra nhiều hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân các thế hệ nhà giáo. 

Ngày 20/11 là ngày lễ hội của ngành giáo dục Việt Nam, tri ân công lao các thầy giáo, cô giáo và cũng là dịp để học sinh và thầy cô giáo gắn kết với nhau, trong các phong trào học tập do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã có buổi gặp gỡ thân mật 153 Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc nhân; Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an đã đến dự Lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam do Bộ Công an Tổ chức.

Ấm áp tình thầy trò - ảnh 1
Ảnh: Internet


Trong những ngày này, các thế hệ học trò đã có nhiều cách thể hiện tình cảm của mình như tặng những bó hoa tươi thắm, những tấm bưu thiếp tự làm, những lời chúc thân thương nhất, để tỏ lòng biết ơn đến các thầy giáo, cô giáo, thể hiện truyền thống cao quý tôn sự trọng đạo của dân tộc. Học sinh Ngô Thủy Tiên, trường Trung học cơ sở Marie Curie, Hà Nội, chia sẻ: “Ngày 20/11 hàng năm là dịp để chúng em thể hiện tình cảm của mình cảm ơn và biết ơn công lao dậy dỗ của thây cô với chúng em, trong suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường. Đền đáp công lao ấy chúng em sẽ luôn phấn đấu chăm ngoan, học giỏi để mai sau trở thành người có ích cho đất nước”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Sách và Học liệu Giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chia sẻ: Trong quá trình học ở trường Đại học Sư phạm, anh được thầy giáo Hải tận tình dạy bảo, động viên. Mặc dù thầy giáo đã qua đời, nhưng nhiều năm nay cứ vào ngày 20/11, anh thường đến nhà và thắp nén hương tỏ lòng thành kính đối với thầy.Với Phó giáo sư Trần Đức Tuấn, để đền đáp công ơn của thầy bằng việc anh truyền lửa cho những học trò, những sinh viên, những nghiên cứu sinh của mình trên con đường sự nghiệp.

Chính sự lao động tận tụy, trách nhiệm và tình yêu nghề nghiệp, những đóng góp thường ngày của mỗi nhà giáo cho từng giờ học tốt, cho mỗi bước trưởng thành của học sinh đã làm nên những thành tích mới của ngành giáo dục. Thầy giáo Nguyễn Văn Giới, trường THPT Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, cho rằng đứng ở trên bục giảng nói trước học trò, với việc làm đó hàng ngày, thầy cũng đã giảng các bài đạo đức cho học trò. Quá trình đó cũng làm cho người thầy tự tu dưỡng làm gương cho học trò.

Ngành giáo dục cũng thường nhân dịp này đánh giá lại hoạt động giáo dục và xây dựng phương hướng nâng cao chất lượng giáo dục. Tại lễ kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2016), ngành giáo dục thành phố Hồ Chí Minh khẳng định không ngừng cải tiến, đổi mới phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, rèn luyện nhân cách học sinh... Thầy giáo Lê Quang Đạt, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Phong, Quận 7, cho biết: “Trách nhiệm của  người thầy cô rất là lớn, bởi vì phụ huynh sinh con ra thì thời gian chủ yếu là học sinh ở trường nhiều hơn. Thiên chức đó là của thầy cô giáo, thầy cô giáo phải làm hết tâm huyết của mình như cha mẹ học trò vậy”.

Việt Nam đang tiến hành đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện. Góp phần thành công trong chiến lược này, ngành giáo dục và đào tạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, củng cố bồi dưỡng đội ngũ, tiếp cận với điều kiện hiện đại và nhanh chóng đổi mới phương pháp dạy học. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, có nhân cách... hội tụ đầy đủ những yêu cầu của nền kinh tế tri thức trong xu thế hội nhập của đất nước.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác