(VOV5) - Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Kể từ ngày 3/7/2019 đến nay, nhóm tàu Haiyang Dizhi - 8 của Trung Quốc liên tục hoạt động thăm dò dầu khí và mở rộng phạm vi hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính - Vũng Mây thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc là vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
|
Theo quy định của UNCLOS 1982, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vì vậy, hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đã xâm phạm các quyền chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, xâm hại các quyền tự do đi lại và khai thác kinh tế của Việt Nam cũng như các quốc gia khác.
Vi phạm chủ quyền ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Khu vực nhà giàn DK1, trong đó có bãi Tư Chính, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở và nằm hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam. Đây là vùng biển được hoạch định theo UNCLOS 1982. Vùng biển này không tranh chấp với nước nào và càng không có tranh chấp với Trung Quốc.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an, nêu rõ: "Công ước Luật Biển năm 1982 quy định rằng trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước, khi nước ngoài muốn thăm dò, khai thác hay đánh cá thì phải xin phép nước sở tại. Nếu không được sự đồng ý của nước sở tại thì hành vi ấy là vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước có vùng đặc quyền kinh tế. Trong trường hợp này, hành động của Trung Quốc kéo tàu Hải Dương 8 đến thăm dò ở Bãi Tư Chính của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng Công ước Luật Biển năm 1982. Hành động này của Trung Quốc cũng vi phạm Tuyên bố về quy tắc ứng xử (DOC) mà Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN tại Campuchia".
Lý lẽ mà Trung Quốc đưa ra biện minh cho hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam gồm hai điểm. Thứ nhất là họ đang khảo sát trong cái gọi là “vùng biển lịch sử Đường 9 đoạn Trung Quốc có chủ quyền từ xưa”. Đường 9 đoạn (còn gọi Đường chữ U) là tên gọi dùng để chỉ đường quốc giới hải vực trên Biển Đông mà Trung Quốc chủ trương và đơn phương tuyên bố chủ quyền và đã bị Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) được lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 bác bỏ vào ngày 12/7/2016 với lý do “không có căn cứ pháp lý cho việc Trung Quốc nêu quyền lịch sử với các tài nguyên nằm trong vùng biển trong Đường 9 đoạn”. Đường 9 đoạn mang hình chiếc Lưỡi bò này bao trọn bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi Macclesfield với khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông, chỉ chừa lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước chỉ được trung bình 5% diện tích Biển Đông.Tuy nhiên, như chính một học giả Trung Quốc, ông Lý Lệnh Hoa, một chuyên gia về luật biển của Trung Quốc từng chỉ rõ: Trung Quốc bất chấp tinh thần cơ bản của văn bản UNCLOS, đưa ra chủ trương về “Đường 9 đoạn” trái với quy định của UNCLOS 1982 là không thể chấp nhận được.
Bất chấp luật pháp quốc tế
Việc Trung Quốc tự ý vẽ Đường 9 đoạn hình chiếc lưỡi bò “liếm qua” 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc - một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích UNCLOS 1982 - đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách Đường 9 đoạn của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn giữ nguyên giá trị. Phán quyết khẳng định rằng Đường 9 đoạn không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đó.Vì vậy, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có bãi Tư Chính.
Về ý đồ của Trung Quốc, Giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, đánh giá: "Trung Quốc đưa ra một quan điểm riêng về Luật Biển quốc tế, họ có yêu sách ngang ngược về chủ quyền Biển Đông vi phạm luật pháp quốc tế. Trung Quốc sử dụng sức mạnh đơn phương để đè bẹp luật pháp quốc tế, uốn luật pháp theo ý mình với logic đó. Họ muốn gây sức ép lên Việt Nam và các nước ASEAN khác để buộc các nước phải thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC)theo quan điểm của Trung Quốc".
Hoạt động kéo dài của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam những ngày qua nhằm mục đích tạo ra nguyên trạng mới, đó là sự tranh chấp ngay trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển Việt Nam. Đây chính là bước leo thang mới nguy hiểm, nhằm gây sức ép để Việt Nam phải chấp nhận phương án khai thác chung. Nhưng chủ trương khai thác chung do Trung Quốc đưa ra thực chất là cái bẫy chủ quyền, biến vùng biển hợp pháp của nước khác thành vùng biển tranh chấp, rồi từ đó tiến tới chiếm đoạt luôn. Bước đi này nằm trong chiến lược nhằm độc chiếm Biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong “đường Lưỡi bò”, chiếm 75% diện tích Biển Đông. Bước đi nguy hiểm và chiến lược độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc sẽ tiếp tục được chúng tôi phân tích, làm rõ trong các chương trình phát thanh sau.