(VOV5)- Cuối tuần qua, thủ đô Kabul và 3 tỉnh lân cận Paktia, Logar and Nangarhar ở miền đông Afghanistan đã bị rung chuyển bởi hàng loạt vụ tấn công của lực lượng Taliban, khiến hàng chục người chết và bị thương. Đây được nhận định là một trong những đợt tấn công phối hợp lớn nhất nhằm vào thủ đô Kabul kể từ khi quân đội Mỹ hiện diện ở Afghanistan hơn 10 năm qua. Mặc dù tình hình đã được chính phủ kiểm soát 1 ngày sau đó nhưng vụ việc đã cho thấy Taliban vẫn rất mạnh. Điều này cũng đồng nghĩa với tình trạng bất ổn sẽ ngày càng gia tăng ở quốc gia Hồi giáo này.
Các cuộc tấn công xảy ra ngay sau khi Taliban tuyên bố khởi động chiến dịch phản công mùa xuân. Bảy địa điểm ở trung tâm thủ đô Kabul trở thành mục tiêu mà lực lượng này lựa chọn để tấn công liên hoàn chính là các đại sứ quán, trong đó có đại sứ quán Mỹ, Anh, Đức và Nhật Bản, cùng trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và toà nhà Quốc hội Afghanistan, những nơi vốn được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Theo các nhà phân tích, các vụ tấn công không phải là bất ngờ đối với người dân Afghanistan song lại khiến họ bị sốc bởi quy mô và mức độ phối hợp. Biện minh cho hành động của mình, Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết các vụ tấn công trên là nhằm trả đũa việc binh sỹ Mỹ đốt kinh Koran và vụ sát hại dân thường Afghanistan trước đó. Tuy nhiên, hành động này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki - Moon và ông cho rằng cần phải tăng cường nỗ lực để chống chủ nghĩa khủng bố đồng thời hỗ trợ an ninh cho chính phủ Afghanistan. Quan chức phụ trách chính sách Đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton cũng lên án các cuộc tấn công của Taliban hôm 15/4.
Giao tranh giữa Taliban và lực lượng an ninh Afghanistan đã diễn ra ác liệt tại thủ đô Kabul (Ảnh: AFP)
Các vụ tấn công này làm gia tăng lo ngại về tình hình an ninh bất ổn tại Afghanistan cho dù Tướng Carsten Jacobson, người phát ngôn Lực lượng hỗ trợ an ninh tại Afghnistan của NATO, cố trấn an rằng các cuộc tấn công không nhằm đánh trúng mục tiêu hoặc đạt được thắng lợi quân sự mà chỉ để phô trương thanh thế của Taliban. Sở dĩ nói vậy vì theo các nhà quan sát, dù chỉ diễn ra chưa đầy một ngày song các vụ tấn công đã làm tê liệt nhiều hoạt động tại trung tâm chính quyền Kabul. Hơn thế, các vụ tấn công đều nhằm vào các địa điểm được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nhất ở thủ đô Kabul, đó là chưa kể đến việc Người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid còn cho biết lực lượng này đã chuẩn bị kế hoạch tấn công trong nhiều tháng. Điều này không chỉ khiến dư luận thế giới mà nhiều quan chức Afghanistan cũng đặt câu hỏi lớn về khả năng tình báo của lực lượng an ninh Afghanistan. Chính Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai phải thừa nhận vụ tấn công liên hoàn của Taliban là một thất bại tình báo đối với lực lượng an ninh Afghanistan cũng như của NATO ở nước này. Ông cũng đề nghị mở cuộc điều tra nghiêm túc về vụ việc. Nữ Nghị sĩ Shukria Barakzai cho biết bà nghi ngờ về khả năng của lực lượng an ninh Afghanistan nhằm đối phó với các phần tử nổi dậy khi không có sự trợ giúp của quốc tế. Bà Barakzai cũng muốn quan chức chính phủ trả lời rõ ràng về việc tại sao phải mất quá nhiều thời gian để chấm dứt vụ tấn công. Không chỉ vậy, vụ tấn công cũng đã đánh mất niềm tin của người Afghanistan khi mà các phần tử nổi dậy một lần nữa chứng tỏ rằng chúng có thể thực hiện các cuộc tấn công ngay ở trung tâm Kabul.
Theo các nhà phân tích, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình trong nước, cuộc tấn công của Taliban cũng sẽ gây tác hại không nhỏ tới uy tín của Tổng thống Mỹ Barak Obama trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Nó cho thấy rõ sự yếu kém của quân đội Afganistan bất chấp Mỹ và NATO đã đổ nhiều tiền của để huấn luyện và đào tạo. Không chỉ vậy, giới phân tích cũng cho rằng tình hình an ninh tại Afghanistan nhiều khả năng sẽ còn phức tạp hơn nữa khi lực lượng Taliban tuyên bố sẽ phát động các cuộc tấn công tương tự như loạt tấn công liên hoàn trên. Trong bối cảnh này, chính phủ Afghanistan khó có thể trông chờ vào sự trợ giúp lâu dài của Mỹ và NATO khi một quan chức Mỹ ngày 16/4 đã khẳng định diễn biến này không làm ảnh hưởng tới kế hoạch rút quân của Mỹ và NATO vào cuối năm 2014 để chuyển giao trách nhiệm đảm bảo an ninh lại cho quân đội Afghanistan. Đây là sự lựa chọn không thể khác của Tổng thống Mỹ Barak Obama nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 1 thập kỷ qua, gây tổn thất lớn cả về người và của của nước Mỹ.
Với những gì đã và đang diễn ra, xem ra chính phủ Afghanistan đang ngày càng khó khăn trong việc đảm bảo an ninh cho người dân của mình và sự ổn định tại quốc gia Hồi giáo này vẫn khá xa vời./.