An ninh hàng hải “nóng” trên bàn nghị sự G-7

(VOV5)- Ngày 8/6, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc sau hai ngày làm việc tại lâu đài Elmau, miền Nam nước Đức, với Tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề khu vực và thế giới. Một lần nữa vấn đề an ninh hàng hải trở thành một trong những vấn đề được các nhà lãnh đạo G-7 quan tâm trong bối cảnh những hành động đơn phương hòng thay đổi nguyên trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông của Trung Quốc ngày càng trở thành mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế.

Dù là một chủ đề mới được bổ sung vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh G-7 năm nay, dù chương trình nghị sự của Hội nghị dày đặc các vấn đề đang được thế giới quan tâm, nhưng vấn đề duy trì an ninh hàng hải trên Biển Đông và Biển Hoa Đông đã thực sự làm “nóng” diễn đàn G-7, nơi tụ họp của các cường quốc hàng đầu thế giới.

An ninh hàng hải “nóng” trên bàn nghị sự G-7 - ảnh 1
Các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại Hội nghị ngày 7/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Bày tỏ lập trường chung về an ninh hàng hải

Bên cạnh hàng loạt hồ sơ quốc tế đang nóng bỏng như tìm giải pháp ổn định tình hình ở miền Đông Ukraine, đối phó với lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng, dập tắt dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát…, các nhà lãnh đạo G-7 đã dành thời gian để bày tỏ lập trường chung trong vấn đề duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông. Trong Tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị, G-7 nhấn mạnh cần duy trì trật tự hàng hải theo luật pháp quốc tế cũng như bảo đảm an ninh hàng hải quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cũng như bảo đảm tự do hàng hải và khai thác kinh tế biển một cách hợp pháp, đồng thời cương quyết phản đối việc sử dụng vũ lực nhằm thay đổi nguyên trạng biển, như việc mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn thời gian gần đây ở Biển Đông.

Bên cạnh đó, các lãnh đạo G-7 còn khẳng định Bắc Kinh cần làm sáng tỏ cơ sở của những tuyên bố chủ quyền căn cứ vào luật pháp quốc tế chứ không phải bằng biện pháp đe dọa hay sử dụng vũ lực và cưỡng ép. Đây không phải là lần đầu tiên G-7 bày tỏ thái độ với vấn đề này. Cũng vào dịp này năm ngoái, tại Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, Bỉ, các nhà lãnh đạo G-7 cũng đã ra tuyên bố phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào nhằm đòi chủ quyền thông qua hành vi khiêu khích, đe dọa và dùng vũ lực.

An ninh hàng hải luôn là mối quan tâm của G-7
Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Biển Hoa Đông và an ninh hàng hải luôn là mối quan tâm đặc biệt của G-7. Trước hết là bởi Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, một thành viên của G-7, tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Bắc Kinh thường xuyên điều tàu đến vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo kiểm soát, gây lo ngại về nguy cơ xung đột giữa hai bên. Nhưng điều quan trọng hơn là nguy cơ xung đột làm gián đoạn một trong những tuyến thông thương hàng hải quan trọng nhất thế giới qua Biển Đông, nơi Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực này, sẽ tác động tiêu cực tới tất cả các nước G-7, buộc nhóm này phải tỏ rõ thái độ. Từ trước tới nay, phản ứng trước tuyên bố của bất cứ ai liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, Trung Quốc luôn phản đối quốc tế hóa các cuộc tranh chấp. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện cũng phải chịu sức ép không nhỏ trước việc các nước G-7 lên tiếng phản ứng mạnh mẽ, bởi Trung Quốc có liên hệ kinh tế lớn với các nước trong nhóm. Theo thống kê, các công ty Mỹ đã đầu tư hơn 70 tỉ USD vào Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh mua lượng hàng hóa và dịch vụ trị giá 124 tỉ USD từ Washington. Ở chiều ngược lại, Mỹ nhập khoảng 466 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc.

Không chỉ sức ép về kinh tế, các nước G-7 còn có những hành động khác để chứng tỏ tầm ảnh hưởng của mình. Trong các nước G-7 thì hiện tại là Nhật và Mỹ là hai quốc gia đang có những can dự rất mạnh vào vấn đề an ninh hàng hải trong thời gian qua. Mới đây, kênh truyền hình CNN của Mỹ đã công bố hình ảnh các hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trên Biển Đông của Trung Quốc trước toàn thế giới. Mỹ cũng nhiều lần khẳng định Trung Quốc đang là tác nhân gây trở ngại cho tự do hàng hải và thực thi luật pháp quốc tế ở Biển Hoa Đông cũng như Biển Đông. Dư luận thế giới gần đây cũng đưa ra nhiều dự đoán khả năng Washington sẽ điều máy bay vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để khẳng định việc Mỹ không thừa nhận chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố tại khu vực này. Ngoài Mỹ, Nhật Bản cũng là quốc gia phản đối mạnh mẽ các hoạt động làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực. Ngoài việc tận dụng các diễn đàn quốc tế để cảnh báo Bắc Kinh phá vỡ hiện trạng trên các vùng biển khu vực, Tokyo còn tăng cường hợp tác với các nước. Dự kiến ngày 23 và 24/6 tới, Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật sẽ tập trận chung với hải quân Philippines ở Biển Đông.

Sau Diễn đàn Đối thoại an ninh Châu Á (Shangri-La), vấn đề tăng cường an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông một lần nữa được khẳng định bởi những người đứng đầu các nước phát triển hàng đầu thế giới. Điều này cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của các nước ngoài khu vực, nhằm duy trì một môi trường hòa bình, ổn định ở tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác