(VOV5)- Ngày mai, 8/8, Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tròn 45 tuổi, một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với 10 nước thành viên trong đó có Việt Nam. 45 năm qua, ASEAN đã và đang có những buớc đi mạnh mẽ trong tiến trình nhất thể hoá nhằm khẳng định là một trong những tổ chức quốc tế khu vực thành công, góp phần đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh thuận lợi cho phát triển ở khu vực Châu Á và ảnh hưởng lớn ra phạm vi toàn cầu.
Lãnh đạo các nước ASEAN gặp đại diện Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA). - Ảnh: Chinhphu.vn
Được thành lập ngày 8-8-1967 tại Băng Cốc, Thái Lan, ASEAN từ chỗ chỉ có 5 thành viên sáng lập trong một khu vực từng xẩy ra những cuộc chiến tranh, xung đột tàn khốc, nghèo đói lạc hậu, nay đã qui tụ được cả 10 nước Đông Nam Á, đưa đến những thay đổi căn bản về chất của Hiệp hội, cũng như tình hình khu vực. Chính ASEAN– 10 đã tạo nên sức mạnh, sự đồng thuận để tạo dựng mối quan hệ mới trên cơ sở hữu nghị, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, giúp tổ chức này có những bước đột phá về kinh tế và chính trị.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM) lần thứ 45. (Phnom Penh, 9/7/2012).
Thành tựu lớn nhất của ASEAN trong 45 năm qua chính là thông qua được bản Hiến chương ASEAN, nền tảng để ASEAN thực hiện cam kết thành lập cộng đồng ASEAN trên 3 trụ cột chính là an ninh, chính trị, kinh tế và văn hóa vào năm 2015. Trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, môi trường an ninh đang bị đe dọa, ASEAN càng cần phải quyết tâm thực hiện cam kết của mình và coi đây là chìa khóa để giải quyết những tranh chấp đang manh nha xuất hiện. Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định: ASEAN đã thống nhất là cần phải đẩy nhanh, đẩy mạnh lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Trong đó nhấn mạnh việc xây dựng một sự đoàn kết, một tổ chức vững mạnh và triển khai các dự án kết nối các nước ASEAN, cũng như giảm khoảng cách phát triển giữa các nước trong khối ASEAN. Thứ hai, cần tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường những cấu trúc trong khu vực; phát huy vai trò của ASEAN với bên ngoài. Thứ ba là cần tăng cường sự đóng góp của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và tăng cường các cơ chế ứng xử, cũng như quy tắc đã có. Đó là Hiệp ước Thân thiện – Hợp tác, cũng như Tuyên bố tuyên bố về các nguyên tắc ứng xử biển Đông – DOC. Và tiến tới xây dựng bộ quy tắc ứng xử biển Đông.
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN + 3
ASEAN hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu của mình đúng thời hạn đề ra dựa trên những nền tảng sẵn có. Trước hết là về kinh tế, theo nhận định của các chuyên gia, ASEAN được coi là cỗ máy tăng trưởng kinh tế đứng hàng thứ 3, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt khoảng 5,7 -6,4 %, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vẫn thuộc diện đứng đầu trên thế giới. Sự phát triển này sẽ làm cho ASEAN trở thành 1 thị trường ngày càng quan trọng hơn trong giao dịch quốc tế liên quan đến nhiều ngành công nghiệp.
Không chỉ có những điểm sáng về kinh tế, ASEAN đang nổi lên với vai trò khởi xuớng, tổ chức thành công và đóng vai trò chủ đạo trong nhiều cơ chế hợp tác quan trọng như Diễn đàn khu vực (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS ), diễn đàn hợp tác liên khu vực Á - Âu (ASEM), Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC)….
Lãnh đạo các nước ASEAN gặp đại diện thanh niên ASEAN. - Ảnh: Chinhphu.vn
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Tình hình an ninh chính trị tại một số nước thành viên có dấu hiệu bất ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo tiếp tục giám sút, giá lương thực, nhiên liệu tăng cao. Đặc biệt, ASEAN vẫn phải đối mặt với khoảng cách phát triển trong các nước thành viên. Điều này đòi hỏi ASEAN tiếp tục tự điều chỉnh để vuơn lên. Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhận định: Sự phân cách, khoảng cách giữa các nước thành viên, giữa thành viên cũ và mới, các nước phát triển hơn và phần còn lại của ASEAN là thách thức rất lớn đối với tất cả chúng ta. Chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nữa, thúc đẩy hợp tác hơn nữa bởi ASEAN hiện nay không chỉ đối mặt với những thách thức truyền thống mà còn có những thách thức phi truyền thống rất lớn như thiên tai, dịch bệnh, động đất, sóng thần… Điều này cũng đe doạ đến cả nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển.
Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 20. - Ảnh: Chinhphu.vn
Bên cạnh đó, những tranh chấp gần đây phát sinh giữa một số quốc gia trong ASEAN về vấn đề chủ quyền trên biển vừa là thách thức cho ASEAN trong chặng đường phát triển, nhưng cũng là cơ hội để ASEAN hoàn thiện mình. Đặt lợi ích chung của khối lên trên lợi ích của từng quốc gia là cách mà ASEAN đang nỗ lực thực hiện. Đồng thuận về lợi ích sẽ là chiếc chìa khóa giải mã được những rào cản dẫn đến một ASEAN đoàn kết và thống nhất hơn trước những thách thức sắp tới.
Đối với Việt Nam, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm, đang có những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng một ASEAN đoàn kết và thống nhất. Việt Nam sẽ đảm nhận vị trí Tổng thư ký ASEAN trong nhiệm kỳ tới. Trong chặng đường tiếp theo của ASEAN sẽ luôn có sự đóng góp của Việt Nam cùng với các nước thành viên khác, để tạo ra một khu vực ASEAN năng động, phát triển bền vững, là cơ sở vững chắc cho hòa bình ở khu vực và thế giới./.