Athens đối mặt với chặng đường dài đầy thử thách

(VOV5) - Ngày 25/2, các bộ trưởng tài chính Eurozone ủng hộ việc gia hạn thêm 4 tháng đối với gói cứu trợ của Hy Lạp sau khi đã thông qua một danh sách các cải cách mà Athens đệ trình. Đây được xem là thắng lợi bước đầu của Hy Lạp, giúp nước này tránh nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, đây mới là lúc Athens phải đối mặt với chặng đường dài, đầy thử thách. Có thêm 4 tháng cứu trợ, song điều này cũng đồng nghĩa với việc đảng Syriza của tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras thất hứa với cử tri khi đi ngược lại hầu hết những cam kết mà đảng Syriza đưa ra trong quá trình vận động tranh cử cũng như khi mới lên nắm quyền.


Athens đối mặt với chặng đường dài đầy thử thách - ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Danh mục cải cách của Hy Lạp bao gồm các biện pháp chống tình trạng trốn thuế, buôn lậu nguyên liệu, thuốc lá và cải tổ khu vực nhà nước. Danh mục cũng bao gồm những biện pháp nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo, điều chỉnh nợ thuế và nợ xấu, chấm dứt việc tịch thu nhà để thế nợ. Nhóm 18 Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng Euro đã nhất trí với danh sách những cải cách mà chính phủ của Thủ tướng Tsipras trình lên và theo kế hoạch, tiền cứu trợ được giải ngân sau khi kế hoạch kinh tế mới của chính phủ Hy Lạp được các chủ nợ thông qua chi tiết. Hiện, cả Liên minh Châu Âu và Hy Lạp đang thực hiện những thủ tục cuối cùng, trong đó có các cuộc bỏ phiếu ở một số quốc hội thành viên Khu vực đồng tiền chung Châu Âu trong vài ngày tới.

Sự nhân nhượng từ chính quyền Athens

Như vậy, Hy Lạp sẽ được kéo dài gói cứu trợ hiện tại, dự định kết thúc vào ngày 28/2, thêm 4 tháng nữa. Trong 4 tháng đó, chính phủ Hy Lạp sẽ phải đưa ra lộ trình chi tiết để thực hiện các cải cách đã cam kết và vẫn phải chịu sự giám sát của các định chế quốc tế. Theo giới phân tích nhận định, mặc dù thỏa thuận này không phải là điều tốt nhất mà cả hai bên mong đợi, song ít ra nó cũng tháo được ngòi nổ “căng thẳng” được cho là có thể khiến cho quan hệ Hy Lạp và Châu Âu trở nên khó hàn gắn. Cả hai bên đều không có sự lựa chọn nào khác. Hy Lạp thì cần các khoản cứu trợ để tránh vỡ nợ, trong khi Châu Âu cũng không thể bỏ mặc Hy Lạp để tránh sự xáo trộn của Khu vực đồng tiền chung Châu Âu, cũng như tránh hiệu ứng Domino cho các chương trình cứu trợ của họ. 

Song đối với Hy Lạp, rõ ràng thỏa thuận này chưa hẳn đã có lợi cho nước này  trong bối cảnh Đảng cầm quyền của Thủ tướng A.Tsipras có quan điểm khá cứng rắn đối với các chương trình thắt lưng buộc bụng của Châu Âu. Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi Hy Lạp được các chủ nợ châu Âu gia hạn thêm 4 tháng đối với khoản cứu trợ tài chính, Thủ tướng A.Tsipras đã thừa nhận thoả thuận này giúp chấm dứt các biện pháp khắc khổ, nhưng Hy Lạp phải trả giá bằng “những nhân nhượng”. 

Thử thách đối với chính quyền non trẻ Hy Lạp

Cho rằng thỏa thuận gia hạn cứu trợ tài chính sẽ giúp nước này chấm dứt các biện pháp khắc khổ, tân Thủ tướng A. Tsipras khẳng định chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để đạt được một giải pháp có lợi cho cả hai bên, dựa trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ các quy định của EU cũng như xem xét nguyện vọng của cử tri. Song, giới phân tích cho rằng đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Trước hết, những tham vọng mà tân Thủ tướng A.Tsipras đưa ra khi tranh cử đều không được thực hiện, ít nhất trong 4 tháng tới. Trái với những tuyên bố cũng như thái độ cứng rắn của tân Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đối với các chủ nợ khi mới lên nắm quyền rằng nước này sẽ loại bỏ chương trình cứu trợ, giảm bớt chính sách khắc khổ và chấm dứt hợp tác với bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Ủy ban Châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hiện nay Chính phủ Hy Lạp đã phải nhượng bộ. Nhưng sự nhượng bộ này đang vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ dư luận trong nước. Phe đối lập tại Hy Lạp cho rằng  Chính phủ của Thủ tướng A. Tsipras đang đi vào “vết xe đổ” các thỏa thuận cứu trợ tài chính của chính phủ tiền nhiệm và đảng Syriza của Thủ tướng A.Tsipras đã thất hứa hoàn toàn với các cử tri. Và điều này cũng đồng nghĩa với một bước lùi của tiến trình cải cách dân chủ. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng sẽ sớm phải đối mặt với cuộc biểu tình phản đối chính phủ đầu tiên khi một số đảng phái đang kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải cách mà Athens đệ trình. Theo những nhà tổ chức cuộc biểu tình, người dân cảm thấy thất vọng về cách xử lý của chính phủ đồng thời kêu gọi chính quyền phải lập tức tăng mức lương tối thiểu, cải cách thị trường lao động, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các dịch vụ công khác nhiều hơn. 

Gói cứu trợ sẽ được kéo dài thêm 4 tháng nữa. Khoảng thời gian này sẽ giúp cho chính phủ Hy Lạp cũng như các chủ nợ vạch ra một lộ trình thích hợp cho việc thực hiện cải cách phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Thách thức lớn nhất, giờ đây, nằm ở phía chính phủ Hy Lạp. Làm sao vừa tiếp tục nhận các gói cứu trợ và thực hiện các cải cách khắc khổ, vừa giữ được niềm tin của cử tri và những khó khăn lớn nhất với tân chính phủ Hy Lạp giờ mới thực sự bắt đầu./.

Phản hồi

Các tin/bài khác