Bắc Phi và Trung Đông : Một năm đầy biến động

(VOV) Ngày 17/12 vừa qua là tròn 1 năm xảy ra làn sóng đòi thay đổi quyền lực ở Bắc Phi và Trung Đông.  Từ Tunisia, làn sóng bạo động, lật đổ được gọi là “mùa xuân A rập” lan rộng ra khắp khu vực. Tunisia, Ai Cập, Yemen , Lybia đến Syria đều biến động mạnh mẽ và cho nay sau một năm, khu vực này vẫn ngổn ngang trăm mối, bạo lực vẫn chưa dứt, kinh tế ngưng trệ và đấu tranh quyền lực diễn ra mạnh mẽ. 



Chẳng ai có thể nghĩ rằng việc tự thiêu, vào ngày 17/12/2010, của người bán hàng rong tên là Mohamed el-Bouzazi, để phản đối sự ngược đãi của quan chức địa phương, lại phát ra tín hiệu cho các cuộc bạo loạn đầu tiên. Những người dân thị trấn Sidi Bouzid nhận ra chính mình trong thảm cảnh cá nhân này và xuống đường để phản đối tình trạng kinh tế khó khăn, thất nghiệp tăng cao. Các phương tiện truyền thông ở Tunisia và nước ngoài ngay lập tức vào cuộc đề cao các cuộc nổi dậy và hướng dẫn dư luận. Ngày 30/12/2010, kênh truyền hình tư nhân Nessma phát các phóng sự về các cuộc bạo loạn và tổ chức một cuộc tranh luận về sự cần thiết phải chuyển đổi dân chủ. Các cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo loạn trên khắp cả nước khi những người biểu tình công khai tấn công lực lượng chính phủ. Tình hình xã hội, chính trị xấu đi một cách nhanh chóng cuối cùng đã buộc Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali phải kết thúc 23 năm cầm quyền và trốn ra nước ngoài.



Có thể nói, chính sự ra đi của ông Zine El Abidine Ben Ali đã kích thích các cuộc xuống đường đòi dân chủ và thay đổi chế độ tại một loạt các quốc gia khác ở Trung Đông, Bắc Phi, để rồi sau đó đến lượt các nhà lãnh đạo lâu năm tại Ai Cập và Yemen bị lật đổ; Nhà lãnh đạo Lybi Muammar Gaddafi bị phe nổi dậy được NATO giúp sức, bắt giữ và giết chết. Còn Tổng thống Syria thì đang phải đấu tranh vì sự sống còn của chính thể của mình giữa lúc thái độ bất bình của người dân trong nước đang tăng cao và áp lực từ nước ngoài cũng ngày càng lớn. Phe nổi dậy cũng đang áp dụng kịch bản như tại Lybia với mong muốn thu hút sự chú ý và can thiệp của phương Tây. Liên đoàn Arập (AL) và phương Tây đang gây áp lực lên chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad bằng việc tạm thời đình chỉ tư cách thành viên của Syria trong AL và áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Damascus.



Tại các nước khác như Barain, Arabia Seut, Jordan, Koweit, Oman, Morocco, Algeria, các cuộc nổi dậy cũng đang âm ỉ. Iran cũng đang phải chống chọi với sức ép ngày càng tăng từ bên ngoài, còn Israel- nước sống trong vòng vây của các nước Ảrập- hết sức lo ngại về những biến động bất lợi cho mình từ thế giới Arập. Những chuỗi sự kiện này đang làm khu vực này thay đổi sâu sắc, buộc các chính phủ phải có đối sách để hoặc trụ vững, hoặc ra đi trong an toàn (như trường hợp của Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh). Song, liệu sự thay đổi này đã mang lại kết quả mong muốn cho những người dân đang háo hức đón chờ một cuộc sống mới? Câu trả lời là chưa. Mùa xuân Arập đã mở ra kỷ nguyên mới đầy biến động và sự lên ngôi của Hồi giáo chính trị tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông cho thấy một xu thế mới, một sự lựa chọn mới của người dân. Tuy nhiên, kết quả của sự lựa chọn này cần phải có sự kiểm nghiệm lâu dài trên thực tế. Ở 4 nước có sự thay đổi chính thể là Tunisia, Yemen, Ai Cập, Lybia, chính quyền mới đang phải giải quyết một loạt vấn đề: kinh tế ngưng trệ, nội bộ xã hội bị phân hóa, đấu tranh quyền lực vẫn rất quyết liệt.


Tại Tunisia, nền kinh tế vốn tăng trưởng trung bình là 5% trong vòng 20 năm qua, đã suy giảm mạnh do bất ổn. Người dân Tunisia đang phải đối mặt với nạn thất nghiệp tăng cao và vẫn phải chứng kiến các cuộc biểu tình rầm rộ. Còn với Yemen, dù ông Ali Abdullah Saleh đã chuyển giao quyền lực, song tương lai chính trị của quốc gia này cũng chẳng mấy sáng sủa. Các cuộc giao tranh dữ dội giữa lực lượng trung thành của ông Saleh và phe đối lập là một dấu hiệu rõ ràng của cuộc chiến quyền lực. Tại Ai Cập, trong khi nền kinh tế đang ở tình trạng nghiêm trọng, các phe phái lại sa lầy vào các mâu thuẫn xung quanh tiến trình soạn thảo hiến pháp mới. Xung đột bạo lực vẫn tiếp diễn hàng ngày. Chính phủ mới của Lybia cũng đang phải giải tỏa những bất đồng liên quan đến phân chia quyền lực, thiết lập lại trật tự, xây dựng lại các thành phố bị tàn phá trong chiến tranh, đưa các chiến binh hội nhập trở lại và giải giáp vũ khí.


Một năm qua, làn sóng đòi dân chủ và thay đổi quyền lực vẫn đang tiếp diễn tại khu vực Bắc Phi và Trung Đông. Phong trào nổi dậy ở các nước Arập đang làm thay đổi tương quan lực lượng, định hình lại địa chính trị Trung Đông. Dù vậy, những vấn đề cũ vẫn tồn tại và là thách thức đối với các chính thể mới cũng như cũ tại khu vực này./.

Đoàn Thị Trung

Phản hồi

Các tin/bài khác