Nhân dịp thăm chính thức Cộng hòa Pháp theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết "Triển vọng tốt đẹp của quan hệ Việt - Pháp" đăng trên báo "Thế giới" (Le Monde) của Pháp. Báo Điện tử VOV.VN trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh:Infonet) |
Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, và có thể nói, nhân loại đang đứng trước cục diện mang tính bước ngoặt cả về chính trị và kinh tế trên phạm vi toàn cầu, đặt ra cả thách thức lẫn cơ hội đối với mọi quốc gia. Với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tất cả các nước lớn nhỏ, giàu nghèo đều đang nỗ lực tìm cách chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.
1- Dưới góc nhìn toàn cục, sự thay đổi ấy thể hiện rõ rệt nhất ở việc châu Á-Thái Bình Dương ngày nay trở thành khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới về mọi phương diện. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là châu Á, trở thành nơi hội tụ sức phát triển quan trọng nhất của kinh tế thế giới, đồng thời cũng là "sân chơi" rất phức tạp của các cường quốc. Những cơ hội to lớn mà châu Á-Thái Bình Dương đem lại đang thúc đẩy xu hướng hợp tác, liên kết. Các diễn đàn khu vực và liên khu vực như APEC, ASEM tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kết nối giữa các nước ven bờ Thái Bình Dương và châu Á, giữa châu Âu với châu Á.
Nằm ở trung tâm một khu vực trải rộng từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, Việt Nam và các nước Đông Nam Á có vị trí hết sức quan trọng trong các tiến trình hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam trước đây thường được biết đến như một địa bàn chiến tranh thì hiện nay đã được biết đến như một đất nước đang đổi mới mạnh mẽ, phát triển năng động, một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài, một đối tác thân thiện, ngày càng quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Công cuộc Đổi mới trong hơn 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng khá cao, liên tục, chính trị-xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, kinh tế tăng trưởng trung bình 7%/năm trong suốt hơn 30 năm qua; riêng năm 2017 kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 425 tỉ USD, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được 36 tỉ USD, xếp hạng năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, môi trường kinh doanh tăng 14 bậc (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới WEF); cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch theo hướng hiện đại, giảm khu vực nông nghiệp, tăng khu vực dịch vụ và công nghiệp. Việt Nam đang vươn lên trở thành một nền kinh tế phát triển nhanh và năng động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trên nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 190 nước, hình thành quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả các nước lớn, trong đó có đủ 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc; là thành viên tích cực của Liên Hợp Quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO; đã và đang đàm phán, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương, và gần đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); đang hoàn tất Hiệp định thương mại tự do với EU. Việt Nam cũng đã chủ động và tích cực phát huy vai trò tại các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế, tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc, các hoạt động diễn tập về an ninh phi truyền thống. Hoạt động trao đổi, giao lưu và hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực văn hoá, xã hội, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo…, phát triển nhanh chóng và sâu rộng. Có thể khẳng định rằng, Việt Nam ngày nay đã trở thành đối tác tin cậy của nhiều nước, một thành viên có trách nhiệm, có vai trò và vị thế quan trọng của cộng đồng quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
2- Việt Nam và Pháp tuy ở hai châu lục khác nhau nhưng có mối quan hệ rất đặc biệt với các gắn bó mật thiết về lịch sử, văn hoá và xã hội.
Nhìn lại chặng đường suốt 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2018), chúng ta dễ dàng nhận thấy, quan hệ hai nước đã có những bước tiến dài rất có ý nghĩa. Trước hết, cần nhắc đến một sự kiện có ý nghĩa to lớn là chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng năm 1977 đã mở ra một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Quan hệ kinh tế, thương mại, hợp tác trao đổi văn hoá, giáo dục được thúc đẩy mạnh mẽ. Đặc biệt, trong thập kỷ 1980, thời kỳ Việt Nam bị bao vây cấm vận, Pháp vẫn là nước Phương Tây duy nhất duy trì quan hệ hợp tác văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục và đào tạo với Việt Nam bằng việc mở lại Viện Trao đổi văn hoá với Pháp (IDCAF) tại Thành phố Hồ Chí Minh tháng 7/1982 và nay đã mở rộng ra ở nhiều địa phương khác ở Việt Nam. Trung tâm văn hoá Việt Nam ở Pháp cũng nỗ lực không mệt mỏi truyền bá văn hoá và ngôn ngữ Việt tới các tầng lớp nhân dân Pháp. Từ cuối thập kỷ 1980, nhất là khi công cuộc đổi mới của Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu và Việt Nam bắt đầu tái hội nhập vào cộng đồng quốc tế, quan hệ hai nước đã có những phát triển phong phú, đa dạng với các chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mit-tơ-răng, tháng 3/1993 và chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt tháng 6 trong cùng năm 1993. Có thể nói, từ đó trở đi, Pháp đã thực hiện chính sách nhất quán coi Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình ở châu Á-Thái Bình Dương, là cầu nối giữa Pháp và các nước trong khu vực như Bộ trưởng Ngoại giao A. Juppe nói trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11/1994: "Nước Pháp nằm ở giữa lục địa châu Âu, một châu Âu đang ngày càng trở nên thống nhất và nước Việt Nam nằm ở giữa lục địa châu Á, một châu Á đã được hoà giải và đang tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Hai nước chúng ta có thể cùng nhau làm nên nhiều việc lớn". Quan hệ Việt - Pháp đã phát triển mạnh mẽ hơn sau khi Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, vượt qua khuôn khổ quan hệ song phương và nằm trong khuôn khổ quan hệ giữa Liên minh châu Âu với Việt Nam và nằm trong chính sách của Pháp đối với Đông Nam Á. Hai nước có đồng quan điểm trên nhiều vấn đề quốc tế lớn, nhất là trong các vấn đề liên quan đến mục tiêu phát triển bền vững, phát huy sự đa dạng văn hoá và vai trò của các thiết chế đa phương trong việc điều tiết, quản lý tiến trình toàn cầu hoá.
3- Năm nay, hai nước chúng ta kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Trong suốt 45 năm qua, Pháp luôn là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Các mối quan hệ trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương phát triển ngày càng phong phú, đa dạng. Pháp là nhà tài trợ song phương hàng đầu châu Âu cho Việt Nam. Hàng trăm thoả thuận đã được ký kết giữa các trường đại học, trung tâm nghiên cứu của hai nước và hiện có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp. Quan hệ hợp tác giữa các địa phương cũng được mở rộng với sự tham gia của 20 địa phương Pháp và 15 tỉnh, thành Việt Nam với 10 hội nghị hợp tác giữa các địa phương hai nước được tổ chức trong thời gian qua. Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là một cộng đồng lâu đời, lớn nhất trong số các cộng đồng người Việt tại châu Âu, gắn bó mật thiết với cả hai nước và luôn là cầu nối quan trọng cho quan hệ Việt-Pháp. Hai nước cũng đang hướng tới những hình thức hợp tác mới bảo đảm cho sự phát triển bền vững thông qua các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu hay phát triển nông nghiệp. Những dự án xanh Việt-Pháp đang mang lại hy vọng cho những nơi mà cuộc sống của người dân Việt Nam bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, vẫn còn rất nhiều tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước chưa được khai thác hết. Thí dụ, đến nay, đầu tư FDI của Pháp vào Việt Nam mới đạt khoảng 2,78 tỉ USD, bằng 1/3 đầu tư FDI của Hà Lan vào Việt Nam. Kim ngạch trao đổi hàng hoá hai chiều vẫn còn khiêm tốn, chỉ bằng hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Những kết quả này thực sự chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác của quan hệ Việt - Pháp.
4- Trong giai đoạn hiện nay, hai nước chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ. Pháp là cường quốc nòng cốt tại châu Âu, đang cải cách mạnh mẽ để vươn lên, tích cực phát huy vai trò toàn cầu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á. Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động với gần 100 triệu dân, có vai trò quan trọng trong ASEAN và Đông Á. Hai nước Việt Nam và Pháp cũng chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng trong các vấn đề quốc tế. Do đó, tăng cường quan hệ hợp tác Việt-Pháp trở thành một yêu cầu khách quan và cần thiết vì lợi ích của cả hai nước.
Trên tinh thần đó, chúng ta cần tạo động lực mới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp; tăng cường sự tin cậy chính trị, đẩy mạnh trao đổi, tiếp xúc cấp cao, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại và hợp tác; mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ, năng lượng, y tế, văn hoá, giáo dục, du lịch, tư pháp, bảo vệ môi trường v.v...; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, tăng cường hợp tác giữa các địa phương.
Là các thành viên nòng cốt trong EU và ASEAN, mỗi nước cần đóng vai trò đặc biệt trong việc thúc đẩy quan hệ EU - ASEAN. Việt Nam sẽ là cầu nối quan trọng cho quan hệ giữa Pháp với ASEAN, và mong rằng, Pháp cũng sẽ là cầu nối hiệu quả cho quan hệ giữa Việt Nam với EU.
Một lĩnh vực ưu tiên quan trọng khác là hợp tác về môi trường và chống biến đổi khí hậu. Việt Nam và Pháp cần tích cực tham gia góp phần cùng với cộng đồng quốc tế nỗ lực thực hiện các cam kết quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững nhằm hướng tới thực hiện hiệu quả Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Cuối cùng, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng và phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết, hai nước chúng ta cần tăng cường phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Việt Nam và Pháp đều chia sẻ tầm nhìn chung về một thế giới đa cực và chủ nghĩa đa phương dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công bằng, hợp tác trên tinh thần cùng có lợi, cùng nỗ lực phấn đấu vì hoà bình và phát triển bền vững bao trùm. Chúng ta khẳng định vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy hoà bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy thịnh vượng và phát triển bền vững; coi trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước. Và đặc biệt, chúng ta đều ủng hộ nguyên tắc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Tất cả những điều đó cho phép chúng ta tin tưởng vững chắc rằng, triển vọng của quan hệ Việt - Pháp là rất tốt đẹp; mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp sẽ tiếp tục phát triển bền vững, toàn diện và hiệu quả trong những thập kỷ tới của thế kỷ 21.