(VOV5) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ xuất sắc của dân tộc Việt Nam, khi từ trần cách đây 45 năm, đã để lại một di sản tư tưởng vô giá cho dân tộc. Trong số đó, Di chúc của Người, không chỉ là văn kiện có giá trị lịch sử, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
|
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ánh sáng, trí tuệ và niềm tin cho thế hệ ngày hôm nay tiếp bước con đường cách mạng mà Bác đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam |
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam dù phải kinh qua nhiều hy sinh gian khổ, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Khẳng định đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các đảng viên giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.Theo Người, Đảng cộng sản Việt Nam phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, giữ gìn Đảng trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng để lại những di huấn quý giá cho đoàn viên thanh niên, nhân dân lao động và toàn thể nhân dân Việt Nam…..
Vấn đề xây dựng Đảng mang tầm lý luận sâu sắc
Vượt qua hình thức của một bản Di chúc thông thường, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không chỉ là kim chỉ nam hành động để Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhân dân đi tới đích thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà còn là những chỉ dẫn khoa học cho công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Người đã sáng suốt tiên liệu trước những khó khăn vô vàn khi đất nước thống nhất. Người nêu cao giá trị mà Đảng cộng sản Việt Nam cần chú trọng trong công tác phê bình và tự phê bình. Những chỉ dẫn này có ý nghĩa và giá trị thiết thực trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong nhiều năm qua, nhất là khi Đảng cộng sản Việt Nam đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: "Đảng đặc biệt phải lấy tự phê bình và phê bình để giúp nhau tự tiến bộ. Bác coi đây là cách tốt nhất để xây dựng Đảng, phát triển Đảng xây dựng Đảng. Phải lấy tự phê bình làm đầu tiên, tự mỗi người phải chú trọng phê bình mình rồi mới phê bình đồng chí. Mà phải dựa trên tinh thần đồng chí thương yêu nhau. Tôi cho rằng đó là điều rất đáng vận dụng".
Chỉ trong một đoạn ngắn của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 4 lần nhắc đến chữ thật trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này hàm chứa ý nghĩa sâu xa về vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, tư lợi. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định là Đảng cầm quyền muốn xứng đáng với dân tộc và nhân dân thì bản thân mỗi đảng viên phải làm tấm gương về đạo đức cách mạng và sự đoàn kết. Về sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mình”. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng có ý nghĩa quan trọng trong mọi chặng đường phát triển của đất nước. Tiến sĩ Nguyễn Bách Khoa, Bí thư huyện ủy Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nêu ý kiến: "Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng cấp thiết hơn, nhất là trong vấn đề biển Đông vừa rồi. Vấn đề là làm sao chúng ta càng tạo thêm sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng, trong dân. Sự đoàn kết đó phải được nhân lên gấp bội theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”.
Tính khoa học, nhân văn và tính định hướng…
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gần như một cương lĩnh chính trị nhưng Người khiêm nhường chỉ gọi đó là một bức thư, “tôi để lại mấy lời này cho đồng bào, đồng chí”. Sự khiêm nhường nói trên càng thể sự cao quý, vĩ đại của một con Người suốt đời vì nước, vì dân. Càng trân trọng hơn vì trong toàn bộ Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh bao giờ cũng đặt quyền lợi của nhân dân lên hàng đầu, quyền lợi dân tộc là tối thượng, Tổ quốc là trên hết. Lời cuối cùng của Người là mong muốn toàn Đảng, toàn dân đoàn kết xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập và giàu mạnh. Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Tình, nguyên Giám đốc Trung tâm lý luận chính trị Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ tình cảm trí tuệ, tính kiên định về cuộc cách mạng Việt Nam và sự lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thể hiện tinh thần đổi mới. Toàn bộ bút tích Di chúc của Hồ Chí Minh thể hiện tính khoa học, nhân văn và mang tính định hướng cho cách mạng Việt Nam, không chỉ lúc Người viết Di chúc mà sau này nữa".
Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc mãi là những chỉ dẫn quý báu, sẽ là những động lực tinh thần giúp nhân dân Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ để phát triển đất nước bền vững theo hướng hiện đại. Dân giàu, nước mạnh, đất nước độc lập, tự chủ, đó là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cả cuộc đời phấn đấu thực hiện cho dân tộc Việt Nam./.