(VOV5) - Bảo đảm quyền con người là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quan điểm này luôn được quán triệt, đề cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là đường lối nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay từ khi thành lập (1930), Đảng đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền con người, thông qua các khẩu hiệu đấu tranh cho “Việt Nam tự do”, “nam nữ bình quyền”, quyền phổ cập giáo dục...
Trong Luận cương cách mạng Việt Nam thông qua tại Đại hội lần thứ II (1951), Đảng khẳng định rõ mục tiêu bảo đảm mọi công dân đều “...được hưởng quyền con người, dân quyền và tài quyền”. Mặc dù mới chỉ mang tính khái quát, song quan điểm, đường lối của Đảng thời kỳ này hoàn toàn phù hợp với nhận thức tiến bộ về quyền con người của cộng đồng quốc tế ở thời điểm đó.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” tháng 12/2021. Ảnh: VOV |
Khung khổ pháp luật về quyền con người ở Việt Nam liên tục được hoàn thiện và củng cố từ năm 1986, trong đó những thành tựu có tính bước ngoặt được thể hiện tập trung qua 2 bản Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung năm 2001 và Hiến pháp năm 2013. Cho đến nay, khung khổ pháp luật về quyền con người của Việt Nam đã khá toàn diện và cơ bản tương thích với các tiêu chuẩn quốc tế.
Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn không thể phủ nhận trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt là các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Có thể thấy những giá trị cốt lõi của Nhà nước pháp quyền về chủ quyền Nhân dân, về tư tưởng đề cao giá trị công bằng, công lý, quyền con người mà Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới như sợi chỉ đỏ xuyên suốt về xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, việc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện pháp luật và cơ chế thực thi để đáp ứng yêu cầu về bảo đảm quyền con người cũng chính là một trong những hoạt động quan trọng bậc nhất để đạt được mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phát biểu tại Hội Tại Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” (tháng 12/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Những tư tưởng, giá trị phổ biến và tiến bộ của Nhà nước pháp quyền là Nhà nước phải đặt mình dưới pháp luật, chịu sự ràng buộc của pháp luật. Thứ hai là tư tưởng về chủ quyền nhân dân với tính cách là nguồn gốc tính chính đáng, tính hợp pháp của Nhà nước, tất cả phục vụ nhân dân. Thứ ba là đề cao những giá trị công bằng, công lý, quyền con người, để biến những ý tưởng, tư tưởng, giá trị phổ biến, được thừa nhận chung của Nhà nước pháp quyền vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của một Nhà nước và xã hội".
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang nỗ lực xây dựng là sự vận dụng sáng tạo, hợp lý tri thức về nhà nước pháp quyền của thế giới vào thực tiễn Việt Nam, vừa mang đầy đủ những giá trị phổ quát, chuẩn mực của một nhà nước pháp quyền, vừa mang những nét đặc thù của Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Các đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là: Nhân dân là nguồn gốc, là chủ thể quyền lực của Nhà nước, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhấn mạnh dân chủ với nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Nhà nước tôn trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân, tôn trọng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nâng cao trách nhiệm pháp lý trong mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong lúc hội nhập quốc tế".
Việc bảo đảm quyền con người không chỉ là một yêu cầu trọng tâm trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn là một yếu tố cốt lõi để bảo đảm sự ổn định đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với bảo đảm quyền con người trong giai đoạn hiện nay, xem đó như là một trong những nội dung cốt lõi trong quá trình hoàn thiện thể chế phát triển của đất nước, là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại.