(VOV5) - Việt Nam đã và đang tiếp tục đề cao quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Một trong những giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam là “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Ðây là nguồn gốc, là bản chất và là sức mạnh của nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: qdnd.vn |
Quan điểm, nhận thức của Ðảng cộng sản Việt Nam về chủ quyền nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, vai trò chủ thể của nhân dân ngày càng được bổ sung, hoàn thiện và phát triển trong quá trình thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.
Theo đó, các Ðại hội Ðại biểu toàn quốc của Ðảng cộng sản Việt Nam đều khẳng định nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN bảo đảm “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực của nhà nước thuộc về nhân dân.
Các Đại hội Đảng ngày càng làm rõ hơn nhận thức về nhà nước pháp quyền XHCN trong mối quan hệ giữa nhà nước và công dân, chú trọng tới vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trong đó có giám sát quyền lực nhà nước của nhân dân.
Đặc biệt, Ðại hội X và XI của Ðảng đã làm sâu sắc hơn nhận thức về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ðại hội XII của Ðảng kiên định quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân trong giai đoạn mới với một nhận thức mới cao hơn, đó là Nhà nước phải tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền trong tổ chức và hoạt động, trong đó nguyên tắc pháp quyền đầu tiên là tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa UBND quận Hai Bà Trưng. Ảnh : Thành Nguyễn |
Tại Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Ðảng cộng sản Việt Nam định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Về điều này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp với các cơ quan chức năng về Đề án xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới đây, nêu rõ:"Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định "Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị". Và đây một lần nữa khẳng định chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế thời đại, với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với mục tiêu xây dựng đất nước giàu mạnh, mang lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân mà Đảng ta đã đề ra và kiên trì thực hiện trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam".
Cùng với các quan điểm, nhận thức mới về chủ quyền nhân dân trong đường lối xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của Ðảng, việc tổ chức thực hiện trong thực tế cũng ngày càng được đổi mới và tăng cường.Theo đó, Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa các quan điểm của Ðảng về đề cao chủ quyền nhân dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thật sự của dân, do dân, vì dân, ghi nhận “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này”.
Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua các cơ quan đại biểu của nhân dân và các cơ quan nhà nước khác, quy định đầy đủ và rõ ràng hơn với nguyên tắc hiến định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Điểm then chốt quyết định thành bại của Nhà nước Pháp quyền chính là mức độ tham gia, tiếng nói của nhân dân trong mọi khía cạnh đời sống của đất nước, của bộ máy nhà nước. Cho nên có thể nói đột phá then chốt nhất của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chính là giải phóng nguồn lực con người, phát huy tốt nhất nguồn lực này sẽ tạo tiền đề, nền tảng cho việc giải phóng mọi nguồn lực tạo ra sức mạnh tổng hợp đưa đất nước và dân tộc hướng tới tầm nhìn 2045 về một Việt Nam tự cường và thịnh vượng”
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 không những khẳng định vị trí và vai trò lãnh đạo, mà còn nhấn mạnh trách nhiệm của Ðảng là “phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.Nhiều quyền mới của con người, của công dân được Hiến pháp ghi nhận. Cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực chính trị của Ðảng lãnh đạo và quyền lực nhà nước chưa hoàn thiện và vận hành một cách có hiệu quả. Giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp chưa được coi trọng đúng mức và chưa có đầy đủ các quy định pháp lý để nâng cao hiệu lực và hiệu quả kiểm soát quyền lực nhà nước...
Trong thời gian tới, mục tiêu của việc tiếp tục phát huy chủ quyền nhân dân của Việt Nam là trên cơ sở nâng cao nhận thức, thể chế hóa đầy đủ và tổ chức thực hiện một cách quyết liệt hơn quyền chủ quyền của nhân dân và vai trò chủ thể của nhân dân trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam.