Trong không khí sôi động cuối năm 2011, các đại sứ, tham tán, tùy viên thương mại Việt Nam thuộc nhiều khu vực trên thế giới đã tề tựu về hội nghị, tham dự Hội nghị Tham tán thương mại 2011. Hành trang của họ không chỉ là những thông tin từ thị trường họ đảm trách mà còn là những ý kiến tâm huyết đóng góp với đất nước. Đúng với chủ đề, Hội nghị tham tán thương mại lần này tập trung đánh giá, phân tích tình hình trong nước và quốc tế, từ đó đề ra những nhiệm vụ cụ thể để tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, vì mục tiêu cao nhất là đem lại lợi ích cho đất nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới hiện nay, khi độ mở của nền kinh tế Việt Nam ngày càng sâu và rộng, để bảo vệ tốt lợi ích quốc gia, thực hiện có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của chính doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường chia sẻ, ngoại giao chỉ hỗ trợ và tạo môi trường, chứ không thể làm thay doanh nghiệp, nội lực của doanh nghiệp mới là yếu tố quan trọng nhất, quyết định hiệu quả cạnh tranh và trên hết phải nắm rõ được các luật chơi thương mại, tránh gặp rủi ro khi làm ăn tại những thị trường trọng điểm. Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho biết: "Hàng tuần tôi đều tiếp các doanh nghiệp Mỹ và tháng nào cũng có những hiệp hội doanh nghiệp khác nhau của Mỹ gặp gỡ, tìm hiểu cơ hội kinh doanh đầu tư ở Việt Nam. Với doanh nghiệp Việt Nam, tôi cũng đã tiếp một số doanh nghiệp Việt Nam sang tìm hiểu đầu tư làm ăn, tuy nhiên tôi thấy sự chủ động của các doanh nghiệp VN vào thị trường Mỹ, đặc biệt là sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định đối tác hợp tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) so với doanh nghiệp Mỹ còn kém nhiều".
Ông Cường cũng cho biết hiện nay trong đàm phán TPP với Mỹ, mới chỉ có duy nhất một hiệp hội doanh nghiệp VN là Hiệp hội dệt may chủ động cử đại diện tham gia cùng đoàn đàm phán Việt Nam. Còn lại vắng bóng các hiệp hội doanh nghiệp khác. Trong khi đó các doanh nghiệp Mỹ có sự quan tâm rất lớn, họ vận động đoàn đàm phán để bảo vệ quyền lợi của mình. Ông Cường nhấn mạnh càng tham gia tích cực bao nhiêu thì càng bảo vệ lợi ích của mình bấy nhiêu, đồng thời khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn ở thị trường Mỹ thì cần làm đúng luật, bài bản, lâu dài, như vậy mới có thể sẵn sàng đối phó với những vụ kiện tụng.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình cũng nhấn mạnh các đại sứ, tham tán thương mại ở nước ngoài cần chủ động nhận định đúng tình hình để từ đó tìm ra những lợi thế cạnh tranh, tăng cường thương mại, thu hút đầu tư. Theo đại sứ Nguyễn Phú Bình, mặc dù năm qua, Nhật Bản có khó khăn về kinh tế do hậu quả của động đất, sóng thần nhưng Nhật Bản vẫn là thị trường lớn của Việt Nam. Trong khi tác động của động đất, sóng thần khiến mức sống của người Nhật Bản gặp khó khăn thì giá cả của hàng hóa Việt Nam xuất sang Nhật Bản được đánh giá là vừa tầm với thị trường tiêu thụ Nhật Bản. Bởi vậy, nếu biết tận dụng lợi thế này, các doanh nghiệp xuất khẩu VN sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quan trọng này. Đại sứ Nguyễn Phú Bình cho rằng:" Nhật Bản mới tự túc được 40% lương thực và thực phẩm, cho nên việc đưa nông hải sản Việt Nam vào thị trường Nhật bản là cần thiết, nhưng chúng ta phải chú ý đến vấn đề kiểm dịch. Nếu chúng ta làm tốt khâu này, chúng ta có thể đưa hàng hóa Việt Nam vào nhiều hơn. Đầu tư cũng rất thuận lợi khi đồng Yên cao giá. Sau trận động đất sóng thần 11/3, tâm lý người Nhật không muốn tập trung đầu tư trong nước quá nhiều. Nếu chọn được những địa bàn hấp dẫn, họ sẽ sẵn sàng đầu tư. Chúng ta phải tăng sức cạnh tranh, làm được như vậy chúng ta sẽ thu hút được nhiều vốn đầu tư của Nhật Bản".
Đối với vấn đề lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhiều đại biểu cũng cho rằng đây là một bộ phận đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế trong nước. Hiện, Việt Nam đã thiết lập nhiều khuôn khổ hợp tác với nhiều nước trong lĩnh vực này, tuy nhiên thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ ngành để tiếp tục giữ hình ảnh tốt về người lao động Việt Nam, đặc biệt là vấn đề người Việt Nam ở lại sau khi hết hợp đồng. Ông Trần Trọng Toàn, đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết: "Việt Nam đã có nhiều biện pháp, từ giáo dục đến việc chỉ đạo cho các địa phương quan tâm để cải thiện tình hình này, rồi tác động đến tận gia đình và có cả biện pháp giáo dục lao động tại Hàn Quốc để họ nhận thức được vấn đề là bảo vệ thị trường lao động của Việt Nam".
Diễn ra vào thời điểm đất nước đang có nhiều thay đổi, Hội nghị tham tán thương mại cũng như Hội nghị ngoại giao lần này mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Các ý kiến đóng góp tâm huyết của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài sẽ góp phần triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại, chính sách hội nhập quốc tế toàn diện, đem lại nhiều thành tựu hơn nữa cho đất nước và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và thế giới./.