Bất ổn trên chính trường Thái Lan

(VOV5) - Đất nước Thái Lan đang rơi vào tình trạng bất ổn trầm trọng nhất kể từ sau khi xảy ra những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu năm 2010.


Các cuộc biểu tình có chiều hướng ngày càng gia tăng, manh động và chưa có dấu hiệu lắng xuống, dù đã bước sang ngày thứ 32 liên tiếp. Sau các cuộc bạo động khiến 4 người chết và hàng trăm người bị thương, cảnh sát Thái Lan hôm qua đã buộc phải sử dụng vòi rồng và đạn hơi cay để giải tán đám đông. Một kịch bản xấu cho chính trường Thái Lan đang có nguy cơ tái diễn và chắc chắn những ngày tới, đất nước này còn phải chứng kiến những diễn biến khó lường.


Bất ổn trên chính trường Thái Lan - ảnh 1
Thủ lĩnh phe biểu tình Suthep



Trong một diễn biến mới nhất, Tòa án Hình sự Thái Lan hôm qua đã thông qua lệnh bắt giữ ông Suthep Thaugsuban, cựu nghị sĩ Đảng Dân chủ đối lập và hiện đang là thủ lĩnh dẫn dắt các cuộc biểu tình đường phố rầm rộ ở thủ đô Bangkok hiện nay. Ông này đã kêu gọi và trực tiếp chỉ đạo hàng nghìn người biểu tình xông vào chiếm giữ một loạt trụ sở của các bộ, ngành. Ngoài ông Suthep, bốn nhân vật đứng đầu “Mạng lưới sinh viên và nhân dân vì cải cách Thái Lan" cũng bị tòa án ra lệnh bắt giữ với các cáo buộc đột nhập và phá hoại trụ sở cơ quan nhà nước. Trước đó, thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thuagsuban đã ra tối hậu thư yêu cầu Thủ tướng Yingluck Shinawatra có hai ngày để 'trả lại quyền lực cho nhân dân' nhưng yêu sách này đã bị Chính phủ Thái Lan bác bỏ vì trái với hiến pháp.

Chân dung vị thủ lĩnh đối lập

Suthep Thaugsuban đã từng làm phó Thủ tướng Thái Lan giai đoạn từ 2008 đến 2011. Đây là chính phủ ra lệnh đàn áp các cuộc biểu tình ủng hộ cựu lãnh đạo bị lật đổ Thaksin Shinawatra năm 2010 khiến hơn 90 người thiệt mạng. Ông Suthep có ảnh hưởng lớn trong đảng Dân Chủ suốt nhiều thập niên, từng làm bộ trưởng nông nghiệp và viễn thông. Sau khi chính phủ mới của nữ Thủ tướng Yingluck Shinatrawat được dân bầu lên, ông Suthep quay lại đứng ở phe đối lập. Và khi nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra cân nhắc dự luật ân xá gây tranh cãi, ông Suthep lập tức rời đảng Dân Chủ để lãnh đạo các cuộc biểu tình. Với quyết tâm diệt trừ tận gốc “chính quyền của ông Thaksin” đang hoạt động dưới danh nghĩa chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck, ông Suthep kêu gọi thay thế chính phủ này bằng một “hội đồng của nhân dân”, không phải do dân bầu, nhằm lựa chọn lãnh đạo quốc gia.

Động cơ chính trị

Chính trường Thái Lan nhiều năm qua luôn chứng kiến sự đối đầu giữa phe áo vàng chống đội cựu Thủ tướng Thaksin và phe áo đỏ ủng hộ ông. Nếu chính phủ cầm quyền là lực lượng thân Thaksin thì phe áo vàng sẽ đổ ra đường biểu tình phản đối. Ngược lại, nếu chính phủ thuộc lực lượng chống Thaksin thì phe áo đỏ sẽ đứng lên biểu tình. Và cái vòng đối nghịch của những cuộc biểu tình sắc màu liên tục tiếp diễn. Tuy nhiên, có một thực tế là từ năm 2001 đến nay, các đảng phái thân Thaksin luôn luôn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử. Và phe đối lập chỉ có thể lên cầm quyền nhờ vào những cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền. Bởi vậy, dự luật ân xá mà nữ Thủ tướng Yingluck đưa ra, theo đánh giá của các nhà quan sát, là cái cớ để phe áo vàng chớp lấy thời cơ lật đổ chính phủ của bà.

Chiến thuật lấy nhu thắng cương liệu có thành công?

Vốn vẫn trung thành với đường lối ôn hòa, trước những sức ép của phe đối lập nhiều ngày qua, Thủ tướng Yingluck tuyên bố sẵn sàng mở mọi cánh cửa đàm phán và cho rằng nếu có bất cứ biện pháp nào có thể khôi phục lại hòa bình, bà sẵn sàng áp dụng ngay. Chính phủ cam kết sẽ kiềm chế, chỉ sử dụng biện pháp ôn hòa và tuân thủ các nguyên tắc pháp lý khi xử lý biểu tình. Trên truyền hình, Thủ tướng Yingluck liên tục có những phát biểu làm dịu tình hình, tuyên nố lựa chọn xuất hiện như những kẻ yếu, không dùng vũ lực thay vì đưa ra tối hậu thư và làm cho người dân bị tổn thương. Theo giới quan sát, chính phủ của Thủ tướng Yingluck có thể đã rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2010 và không muốn lặp lại sai lầm của chính phủ người tiền nhiệm khi thẳng tay trấn áp và giải tán các cuộc biểu tình. Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan cũng có thể mắc vào một cái bẫy như đã từng xảy ra năm 2008 khi những người biểu tình chiếm đóng các công sở, làm tê liệt hệ thống hành chính đất nước.

Hiện tại, các nhà quan sát vẫn còn mâu thuẫn nhau về dự đoán tương lai của Chính phủ Thái Lan. Tình hình căng thẳng chính trị hiện nay có thể được đẩy lên cao đến một mức độ mà chính phủ hiện thời có thể sẽ không tiếp tục duy trì nổi pháp quyền hoặc không giữ được mọi việc trong tầm kiểm soát và người ta không loại trừ khả năng một cuộc đảo chính quân sự, một điều không quá xa lạ nếu không muốn nói là đã quá quen thuộc với người dân nước này. Trước mắt, một sự kiện được kỳ vọng giúp xoa dịu được tình hình căng thẳng tại Thái Lan khi chỉ còn 2 ngày nữa (5/12/2013) là ngày sinh nhật Vua Bhumibol tròn 86 tuổi, một sự kiện được tất cả mọi người dân, đảng phái tôn trọng và xưng tụng. Nhưng có thể đó chỉ là khoảng lắng tạm thời trước cơn bão mới tại đất nước chùa Vàng, bởi để giải quyết được tận gốc rễ sự phân cực sâu sắc trong xã hội là điều không dễ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác