Với việc nhận được khoảng 40% tổng số phiếu bầu của cử tri Anh trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra hôm 04/07, Công đảng tại Anh chiến thắng và sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới, chấm dứt 14 năm cầm quyền của đảng Bảo thủ. Sự kiện này có thể đánh dấu những thay đổi lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại của nước Anh.
Theo các kết quả sơ bộ được Ủy ban bầu cử quốc gia Anh công bố trong sáng 05/07, Công đảng giành được khoảng 40% số phiếu, tương đương khoảng 410 ghế tại Hạ viện Anh khóa tới, về nhất cuộc tổng tuyển cử và vượt xa con số 326 ghế cần thiết để tự thành lập chính phủ. Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Rishi Sunak về thứ hai với khoảng 140 ghế, thành tích bầu cử tệ nhất trong lịch sử đảng này.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng vợ sau khi bỏ phiếu tại điểm bầu cử Hạ viện ở London ngày 4/7/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Kết quả được báo trước
Kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Anh không gây bất ngờ bởi trong gần 2 năm qua, tất cả các cuộc thăm dò dư luận tại Anh đều dẫn đến một kết luận chung là Công đảng đối lập sẽ giành chiến thắng lớn trước đảng Bảo thủ cầm quyền trong một cuộc tổng tuyển cử.
Theo giới quan sát, nguyên nhân dẫn đến điều này là quá trình suy yếu có hệ thống của đảng Bảo thủ trong gần 1 thập kỷ qua, khởi đầu là việc cựu Thủ tướng David Cameron kích hoạt cuộc trưng cầu ý dân về việc rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit năm 2016.
Việc kích hoạt Brexit, vốn xuất phát từ các tính toán chính trị nội bộ trong đảng Bảo thủ, đã đẩy nước Anh rơi vào hàng loạt hệ lụy nối tiếp, gồm: sự đổ vỡ quan hệ với EU; thiệt hại lớn về kinh tế; sự tranh giành quyền lãnh đạo đảng dẫn đến việc nước Anh phải thay đến 4 Thủ tướng trong vòng 3 năm.
Lãnh đạo Công đảng Anh Keir Starmer trong chiến dịch vận động tranh cử tại Clay Cross ngày 2/7/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN |
Việc tiêu tốn quá nhiều nguồn lực và vốn liếng chính trị vào Brexit và các đàm phán kéo dài hơn 3 năm với EU về thỏa thuận hậu Brexit đã làm suy yếu năng lực điều hành của các đời chính phủ đảng Bảo thủ. Bên cạnh đó, việc chống dịch tệ hại và các bê bối cá nhân trong giai đoạn đại dịch COVID-19 (thời ông Boris Johnson) hay chiến lược kinh tế sai lầm (thời bà Liz Truss) cũng đã đẩy uy tín của đảng Bảo thủ xuống thấp nhất trong nhiều thập kỷ, khiến cử tri Anh chuyển sang ủng hộ Công đảng đối lập, dù đảng này cũng gặp không ít rắc rối nội bộ và bế tắc về đường lối dưới thời lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn (2015-2020).
Giáo sư Mark Shanahan của Trường Đại học Surrey (Anh), nhận xét: "Tôi không nghĩ rằng Công đảng đã thăng tiến ngoạn mục mà cho rằng đảng Bảo thủ đã suy yếu một cách rõ ràng và những gì diễn ra hiện nay chỉ là việc chúng ta đã đi đến đoạn kết của 1 chu kỳ bầu cử đã đưa đảng Bảo thủ lên nắm quyền trong 14 năm qua. Chu kỳ này trải qua các đời lãnh đạo, từ ông David Cameron đến bà Theresa May, ông Boris Johnson, bà Liz Truss cho đến ông Sunak và mọi việc không tốt lên. Do đó, tâm trạng chung tại nước Anh là đã đến lúc phải thay đổi”.
Chia sẻ quan điểm này, Tim Bale, Giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary tại London (Anh) cho rằng ông Rishi Sunak đã phải thừa hưởng một di sản tiêu cực từ các lãnh đạo tiền nhiệm của đảng Bảo thủ, khi ông Boris Johnson thổi bay danh tiếng về sự đoàn kết và liêm chính của đảng Bảo thủ với bê bối tiệc tùng trong giai đoạn chống dịch COVID-19 còn bà Liz Truss thổi bay danh tiếng về năng lực quản lý kinh tế của đảng với chính sách tài khóa gây sốc và buộc phải từ chức chỉ sau 50 ngày cầm quyền.
Cũng theo Tim Bale, bên cạnh việc hưởng lợi từ sự suy yếu của đảng Bảo thủ, Công đảng cũng nhận được sự ủng hộ ngoài dự kiến của một lượng lớn cử tri đảng Dân tộc Scotland (SNP), khi đảng này rơi vào cuộc khủng hoảng nội bộ sâu sắc trong 1 năm qua.
Thay đổi nào cho nước Anh?
Đối với Công đảng, chiến thắng bầu cử năm nay là một trong những chiến thắng lớn nhất trong lịch sử đảng này, giúp Công đảng quay trở lại nắm quyền sau 14 năm. Với chiến dịch tranh cử tập trung vào một khẩu hiệu duy nhất là “Thay đổi”, Công đảng hứa hẹn sẽ thi hành các chính sách làm thay đổi toàn diện nước Anh.
Ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng, người sẽ đảm nhiệm cương vị Thủ tướng Anh nhiệm kỳ tới, tuyên bố: “Người dân trên khắp nước Anh đã lên tiếng và họ đã sẵn sàng cho sự thay đổi, để chấm dứt chính trị thành tích và quay lại với chính trị phục vụ công chúng. Các cử tri đã bỏ phiếu và giờ là lúc chúng tôi phải thực thi”.
Theo giới quan sát, nhiệm vụ đối với chính phủ sắp tới của Công đảng không đơn giản, trong bối cảnh kinh tế Anh trong vài năm qua luôn ngấp nghé ở mức suy thoái, chi phí sinh hoạt bóp nghẹt các hộ gia đình, đồng thời các dịch vụ công rơi vào khủng hoảng. Matthew Johnson, Giáo sư Chính sách công tại trường Đại học Northumbria ở Newcastle (Anh), cho biết các nghiên cứu tiến hành tại nhiều địa phương trên khắp nước Anh cho thấy 65% đến 75% cử tri Anh đang khao khát có sự thay đổi chính sách trong các vấn đề, như: cải cách hệ thống y tế, an sinh xã hội; chiến lược chuyển đổi sang net-zero nhưng vẫn bảo vệ được quyền lợi lao động; thu nhập cơ bản…
Do đó, sức ép sắp tới với Công đảng sẽ càng lớn hơn. “Điều chúng ta có thể chứng kiến trong năm tới là chính phủ kế tiếp sẽ phải gắn hành động với những thay đổi trong các chính sách trên để giữ được sự ủng hộ của dân chúng. Việc không làm gì cả là điều không thể trong nhiệm kỳ Hạ viện tới. Giờ là lúc phải hành động”.
Về chính sách đối ngoại, chính phủ mới của Công đảng cũng có thể phải tiến hành nhiều thay đổi lớn. Trong cuộc gặp gỡ với báo chí nước ngoài hôm 01/07, David Lammy, người nhiều khả năng sẽ là Ngoại trưởng Anh thời gian tới, cho biết chính phủ Công đảng sẽ tiến hành “3 làm lại” trong chính sách đối ngoại của Anh, gồm: Làm lại mối quan hệ với EU, với nền tảng là hiệp ước an ninh mới giữa Anh và EU; Làm lại các chính sách về khí hậu để Anh là quốc gia đi đầu trong các cam kết khí hậu: Làm lại mối quan hệ giữa Anh với thế giới phương Nam và các cường quốc hạng trung trên thế giới, trong bối cảnh thế giới ngày càng đa cực và vai trò của nước Anh trên thế giới đã có nhiều thay đổi căn bản.