(VOV5) - Trong cuộc bầu cử lần này, khoảng 1150 ứng cử viên sẽ đua nhau giành 475 ghế vào Hạ viện.
Ngày 14/12 tới, cử tri đất nước Mặt trời mọc sẽ đi bỏ phiếu bầu 475 ghế trong Hạ viện nước này. Trong bối cảnh các chính sách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe, từng được biết đến với tên gọi Abenomics, bị cáo buộc là không phát huy hiệu quả, khiến nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây, cuộc bầu cử sớm hơn 2 năm so với thời hạn này được xem là cuộc trưng cầu dân ý về các chương trình cải cách kinh tế mà Thủ tướng S.Abe đang theo đuổi cũng như uy tín đối với Đảng Dân chủ tự do. Bài viết của Ánh Huyền “Bầu cử Hạ viện Nhật Bản: Phép thử cho chính sách Abenomics”
|
Thủ tướng Shinzo Abe xem cuộc bầu cử như một phép thử đối với chính sách phục hưng kinh tế mang tên "Abenomics" của ông. Ảnh: AFP, Kyodo |
Trong cuộc bầu cử lần này, khoảng 1150 ứng cử viên sẽ đua nhau giành 475 ghế vào Hạ viện. Mặc dù nhiều đảng phái đề cử các ứng viên nhưng thực chất đây chỉ là cuộc đua giữa 2 đối thủ chủ chốt là Liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Tự do (LDP) đứng đầu và đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Chiến dịch tranh cử bắt đầu từ hôm 2/12 và kéo dài 12 ngày.
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới nhất, dù bị chỉ trích các chính sách kinh tế của Thủ tướng S.Abe đưa ra đã không phát huy hiệu quả, khiến nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng chậm lại và rơi vào tình trạng suy thoái, nhưng Đảng DPJ của Thủ tướng S.Abe vẫn đang giành được sự ủng hộ của cử tri nhiều hơn gấp 4 lần đảng đối lập DPJ. Điều này đồng nghĩa với việc gần như chắc chắn Liên minh cầm quyền của Thủ tướng tiếp tục giành được đa số ủng hộ, chính phủ của Thủ tướng S.Abe sẽ vẫn tại vị nhưng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong thời gian tới.
Tâm điểm tranh cử là “Abenomics”
Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản cho thấy mong muốn của cử tri Nhật Bản đối với nội các của Thủ tướng S.Abe trong việc thúc đẩy các chính sách kinh tế đất nước sao cho hiệu quả. Trong khi các chính đảng đối lập dường như không có khả năng hình thành một lực lượng chung chống lại liên minh do LDP đứng đầu, chính sách “Abenomics” trở thành tâm điểm chỉ trích tại cuộc vận động tranh cử lần này.
Lên nắm quyền Thủ tướng từ tháng 12/2012 sau chiến thắng vang dội của Đảng Dân chủ tự do LDP, ông S.Abe đã triển khai kế hoạch chấn hưng nền kinh tế đất nước bằng một chính sách có tên gọi Abenomics. Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Sau gần hai thập kỷ chìm trong giảm phát, Abenomics từng được kỳ vọng là liều thuốc mạnh mẽ và hiệu quả nhằm điều trị triệt để căn bệnh trầm kha của nền kinh tế. Tuy nhiên, những số liệu kinh tế gần đây đang là sức ép đối với Thủ tướng S.Abe và nội các của ông. Tổng sản phẩm quốc nội Nhật Bản đã giảm 7,3% trong quý 2 và tiếp tục giảm 1,6% trong quý 3, trong khi các khoản nợ công hiện nay liên tục tăng cao. Chính vì vậy, không bất ngờ khi tỷ lệ người dân kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản ngày càng sụt giảm. Theo kết quả thăm dò dư luận trước thềm bầu cử, chỉ có 16% số cử tri tin tưởng vào những tác động do chính sách kinh tế “Abenomics” mang lại, so với tỷ lệ 65% số người được hỏi ở thời điểm “Abenomics” mới ra đời.
Cần thêm thời gian cho “Abenomics”
Dưới sức ép tỷ lệ ủng hộ đối với nội các suy giảm, trong cương lĩnh tranh cử, Đảng Dân chủ tự do (LDP) của ông S.Abe nhấn mạnh thành quả mà kế hoạch kinh tế “Abenomics” đã mang lại như cải thiện việc làm, tăng giá chứng khoán, đồng thời đề cập đến vấn đề hoãn tăng thuế tiêu dùng, từ mức 8% hiện nay lên mức 10% vào tháng 4/2017, như một biện pháp để giảm nhanh các khoản thâm hụt của chính phủ. Thủ tướng Nhật Bản cũng cam kết sẽ theo đuổi kế hoạch cân đối ngân sách, đồng thời khẳng định việc tổ chức bầu cử sớm là nhằm tranh thủ sự hậu thuẫn của công chúng đối với chính sách kinh tế Abenomics. Ông S.Abe cũng tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu liên minh cầm quyền của ông không được đa số ủng hộ.
Rõ ràng, qua bầu cử, Thủ tướng S.Abe mong muốn có thêm thời gian để hiện thực hóa các chính sách kinh tế táo bạo nhằm đưa kinh tế đất nước vượt lên. 2 năm qua, không thể phủ nhận kinh tế Nhật Bản có một số dấu hiệu khả quan như hoạt động xuất khẩu tăng. tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, các chỉ số chứng khoán tăng điểm. Nhưng về lâu dài, theo các chuyên gia kinh tế, Chính phủ của Thủ tướng S.Abe còn phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua thách thức. Đó là làm sao giải quyết triệt để “bài toán” giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo mức sống ổn định cho người dân, giảm bớt những tác động tiêu cực đến nền kinh tế do mục tiêu theo đuổi lạm phát của nước này, đưa đất nước phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới./.