(VOV5) - Giới doanh nghiệp mong muốn liên minh cầm quyền sẽ giải quyết tình trạng thiếu lao động, thực hiện những cải tiến năng suất lao động cũng như thúc đẩy cải cách cơ cấu để xây dựng một cơ sở hùng mạnh cho nền kinh tế.
Liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe và đảng Công minh vừa giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 22/10. Chiến thắng này đã đưa Thủ tướng S.Abe trở thành nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản khi tiếp tục nắm quyền đến năm 2021, đồng thời cũng mở đường cho ông S.Abe thực hiện các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là thực thi việc sửa đổi Hiến pháp, theo đó cho phép tăng cường sức mạnh quân sự đất nước trong bối cảnh các mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên đang ngày một gia tăng.
Cử tri Nhật Bản bỏ phiếu bầu Hạ viện tại điểm bầu cử ở Tokyo ngày 22/10 (Ảnh minh họa. Nguồn: AFP/ TTXVN)
|
Giành đa số 2/3 trong Hạ viện cho phép ông S. Abe có nhiều thuận lợi hơn trong việc thông qua các chính sách tiền tệ thuận lợi để kích thích kinh tế và tiền tệ, giúp nền kinh tế thứ 2 châu Á tiếp tục phát triển. Ngoài ra, với vị thế gia tăng, liên minh cầm quyền của Thủ tướng S.Abe có thể thúc đẩy cải cách Hiến pháp hòa bình đã có từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, làm rõ địa vị pháp lý của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF). Chiến thắng này cũng cho thấy cử tri Nhật Bản tiếp tục dành sự tin tưởng cho LDP, năng lực của cá nhân Thủ tướng S.Abe trong điều hành đất nước.
Tạo điều kiện tiếp tục thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế
Khi ông Abe trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản tháng 12/2012, nước Nhật thời điểm đó đối mặt với những vấn đề về kinh tế như tăng trưởng kinh tế giảm tốc, tỷ lệ lạm phát tăng… Ưu tiên cao nhất khi đó của ông S.Abe là thực hiện những cam kết trong quá trình tranh cử được biết đến với tên gọi Abenomics. Kế hoạch cải cách kinh tế của Thủ tướng S.Abe bao gồm 3 điểm chính là thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
Thực tế, trong thời gian nắm quyền, ông S.Abe đã đưa kinh tế Nhật đạt được một số tiến bộ đáng kể. Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể và hiện ở mức dưới 3%, trong khi đồng Yên giảm giá giúp thúc đẩy xuất khẩu. Các chỉ số trên thị trường chứng khoán Nhật đều ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Dù còn nhiều tranh cãi xung quanh Abenomics nhưng đến thời điểm hiện tại, rõ ràng chương trình này đã tỏ ra hiệu quả với nước Nhật. Vì vậy, các chuyên gia nhận định thắng lợi của Thủ tướng S. Abe và đảng LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện vừa qua hứa hẹn đem lại sự tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế Nhật Bản. Kết quả bầu cử là tín hiệu của cử tri mong muốn thúc đẩy Abenomics với nỗ lực lớn hơn. Ngay sau kết quả bầu cử, đại diện giới doanh nghiệp Nhật Bản lên tiếng hoan nghênh chiến thắng của liên minh cầm quyền, coi đó là sự khởi đầu cho một nền chính trị ổn định. Giới doanh nghiệp mong muốn liên minh cầm quyền sẽ giải quyết tình trạng thiếu lao động, thực hiện những cải tiến năng suất lao động cũng như thúc đẩy cải cách cơ cấu để xây dựng một cơ sở hùng mạnh cho nền kinh tế.
Lãnh đạo LDP, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (thứ 2, trái) và Chủ tịch Hội đồng nghiên cứu chính sách của LDP Fumio Kishida (thứ 3, trái) tại trụ sở LDP ở thủ đô Tokyo ngày 22/10 (Ảnh minh họa. Nguồn: THX/TTXVN)
|
Giữ ổn định và đảm bảo an ninh quốc gia
Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề cải cách điều 9 Hiến pháp liên quan đến vai trò của lực lượng phòng vệ Nhật Bản và năng lực xử lý của chính phủ nếu xảy ra khủng hoảng với CHDCND Triều Tiên cũng là điểm mấu chốt quyết định kết quả của cuộc bầu cử vừa qua. Từ trước tới nay, Thủ tướng S. Abe được đánh giá cao về năng lực ngoại giao liên quan tới vấn đề CHDCND Triều Tiên và LDP là chính đảng duy nhất hiện nay được cử tri cho là có năng lực xử lý phù hợp khủng hoảng với CHDCND Triều Tiên. Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên ngày một gia tăng do các vụ thử tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng, cử tri Nhật càng tin rằng nước này cần một nhà lãnh đạo cứng rắn để đương đầu với nguy cơ hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, quân đội Mỹ đồn trú chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh và quốc phòng của Nhật Bản và nước này chỉ duy trì lực lượng quân đội nhỏ để tự vệ. Dưới thời Thủ tướng S. Abe, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang ngày càng có vai trò lớn hơn và với việc LDP tiếp tục cầm quyền, các chuyên gia phân tích nhận định nhiều khả năng tiến trình cải cách Hiến pháp tiếp tục được đẩy mạnh. Song, đây sẽ là vấn đề mà Thủ tướng S. Abe phải xử lý thận trọng nhất. Việc thay đổi bản chất của bản hiến pháp hòa bình được duy trì 70 năm qua, bằng việc nâng cấp lực lượng phòng vệ thành một lực lượng quân đội đóng vai trò chủ động hơn, đã khiến không ít người lo ngại về nguy cơ cải cách Hiến pháp sẽ làm tăng nguy cơ Nhật Bản can thiệp vào các cuộc chiến tranh. Chính vì vậy, nếu vội vàng thúc đẩy cải cách Hiến pháp sẽ có thể châm ngòi cho sự tranh cãi giữa các bên và có thể sẽ làm giảm uy tín của LDP. Lo ngại này đã được xóa bỏ khi mới đây, ông S.Abe đã lên tiếng bác kế hoạch điều chỉnh Hiến pháp trước năm 2020 và khẳng định bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ cần được đưa ra trưng cầu dân ý.
Nhiệm kỳ của hạ viện mới sẽ kéo dài đến tháng 10/2021 và trong 4 năm tới, Thủ tướng S.Abe sẽ phải chứng minh sự tín nhiệm của mình đồng thời thúc đẩy một chính sách mạnh mẽ hơn trong cả vấn đề đối nội và đối ngoại. Chiến thắng tại cuộc bầu cử hạ viện lần này là động lực để Thủ tướng S.Abe thực thi các chủ trương chính sách của mình, đem lại những lợi ích thiết thực cho đất nước.