Bầu cử Mỹ: Cuộc bám đuổi kịch tính

(VOV5) - Chỉ còn gần 4 tháng nữa, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra và thời gian này đang chứng kiến cuộc đua tranh ngoạn mục của hai ứng cử viên đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama và đối thủ thuộc đảng Cộng hòa, cựu Thống đốc Mitt Romney. Hiện, chưa có ứng cử viên nào giành lợi thế nổi trội. Dư luận Mỹ đang hồi hộp với câu hỏi: ai sẽ giành chiến thắng? Và cuộc đua giành chiếc ghế ông chủ nhà Trắng chắc chắn sẽ nóng thêm trong thời gian tới.


Bầu cử Mỹ: Cuộc bám đuổi kịch tính - ảnh 1


Tính đến nay, qua 13 cuộc điều tra dư luận, đều cho thấy một kết quả gần như giống nhau là: chưa một ứng cử viên nào bứt hẳn lên, trong khi không ít cử tri vẫn đang tiếp tục thay đổi thái độ. Theo Bưu điện Washington Post/ABC News, ngày 10/7, thì hai ứng cử viên đang nhận được sự hậu thuẫn ngang nhau (47%). Thăm dò của Quinnipiac University Polling Institute công bố, ngày 11/7, cho thấy ông B. Obama dẫn ông M. Romney với tỷ lệ 43%-40%, đúng bằng tỷ lệ sai lệch 3% trong kết quả thăm dò. Còn theo Viện Gallup và HuffPost thì sự bám đuổi sát nút hơn giữa hai ứng cử viên, tương ứng với các tỷ lệ là 47%-45% và 45,9%-44,1%. Bởi vậy, các chuyên gia dự báo, cuộc giành giật lá phiếu cử tri trong thời gian còn lại của cuộc vận động tranh cử ghế tổng thống Mỹ năm 2012 sẽ diễn ra khá quyết liệt.

Trong một động thái nhằm hạ thấp uy tín của đối thủ mình trên truyền thông, ngày 14/7, phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại Virginia, ông B. Obama đã tập trung công kích, cáo buộc vị cựu Thống đốc 65 tuổi này từng là một chủ doanh nghiệp chỉ muốn xuất khẩu công ăn việc làm của người dân Mỹ ra bên ngoài và sa thải công nhân dưới quyền một cách không thương tiếc. Thêm nữa, ông chủ Nhà Trắng xoáy vào chính sách đối ngoại mà ông M. Romney đề ra khi "không có chủ trương đưa ra một lộ trình để rút lính Mỹ ra khỏi chiến trường Afghanistan”. Theo thống kê, tài sản của ứng cử viên M. Romney rơi vào khoảng 250 triệu USD, đã trở thành vấn đề lớn khi ủy ban vận động tranh cử của ông B. Obama cố gắng tô vẽ ứng viên của đảng Cộng hòa là người xa rời quần chúng. Xoáy vào điểm này, trong chiến dịch tranh cử của mình, ông B. Obama đã kêu gọi Quốc hội hãy để việc miễn thuế cho người giàu, vốn được Tổng thống Cộng hòa George W. Bush triển khai, nên hết hạn sớm hơn, trong khi cần kéo dài việc miễn giảm thuế cho người có thu nhập dưới 250.000 USD/năm. Chính điều này đã giành được thiện cảm của  cộng đồng cử tri rất bảo thủ tại Virginia. Bằng việc phản công như vậy tại bang Virginia, ứng viên của đảng Dân chủ hy vọng bang này sẽ ủng hộ ông như năm 2008. Sau Virginia, ông B. Obama sẽ tới các chiến địa chủ chốt như Ohio, Pennsylvania và Iowa.

Ngược lại, đối thủ của vị tổng thống đương nhiệm cũng không hề tỏ ra yếu thế. Phe Cộng hòa phản pháo lại bằng những lời chỉ trích B. Obama đã tự động cắt giảm ngân sách quân sự, vốn chỉ có tác dụng vào đầu năm 2013, sau khi Quốc hội không thể đưa ra một giải pháp thống nhất giúp giảm thâm hụt vào mùa thu năm ngoái. Sự thất bại của chính quyền B. Obama trong việc vực dậy nền kinh tế đã và đang là một lợi thế cho phe Cộng hòa. Trong nỗ lực vượt lên trên đối thủ của mình, ứng cử viên M. Romney đã có bước đi táo bạo nhằm thu hút lá phiếu của nhóm bầu cử vốn ủng hộ đối thủ của mình. Theo đó, ngày 11/7, phát biểu trước Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) - tổ chức bảo vệ quyền dân sự lớn nhất Mỹ, ông M. Romney đã lên tiếng bảo vệ đời sống cho người dân lao động. Bài phát biểu này được xem là nỗ lực để biến M. Romney, một triệu phú và nổi tiếng vì xa cách với cử tri, trở nên gần gũi hơn với người da màu. Ngay sau đó, những người ủng hộ M. Romney đã lên Twitter ca ngợi ông đã dũng cảm vạch ra quan điểm chính trị của mình trước đám đông ủng hộ mạnh ông B. Obama. Cựu thống đốc Massachusetts cho rằng nhiệm kỳ Tổng thống của B. Obama, dù mang tính lịch sử, nhưng vẫn chưa đủ để giúp đưa người Mỹ thoát khỏi đói nghèo và khiến nhiều gia đình da màu tụt hậu lại phía sau. Vị ứng viên đảng Cộng hòa này hy vọng, cử tri da màu đã ủng hộ rất mạnh Obama trước đối thủ John McCain trong cuộc bầu cử 2008 nhưng với việc tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã cao hơn 8% trong 41 tháng liên tiếp và gần đây tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm người da màu tăng tới 14,4%, thì mình sẽ có được sự ủng hộ từ các cử tri không hài lòng. Chính Tổng thống B. Obama, ngày 12/7, đã bày tỏ sự tiếc nuối vì đã không thúc đẩy tình đoàn kết dân tộc, sự quyết tâm và lạc quan sớm hơn trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Nhà Trắng. Đây rõ ràng là một bất lợi lớn của phe Dân chủ trong cuộc đua tranh sắp tới.

Hiện tại, cuộc đua vào ghế tổng thống Mỹ đang đến hồi quyết liệt. Tận dụng mọi lợi thế, phê phán đối thủ của mình để vượt bứt lên hòng giành thế chủ động trong cuộc đua đang được cả hai phía nỗ lực thể hiện. Chưa ai có thể đoán chắc bên nào sẽ giành được sự ưu ái của đa số cử tri. Chính sự ganh đuổi ấy đã và đang tạo ra sức cuốn hút cho cuộc bầu cử nước Mỹ. Nhưng dù chiến thắng thuộc về ai, điều mà cử tri mong muốn là người đó phải có những đường hướng cụ thể, giúp cải thiện đời sống của người dân Mỹ, vốn đã và đang bị cuốn bởi cơn suy thoái kinh tế./.

Phản hồi

Các tin/bài khác