Bầu cử quốc hội Campuchia: Lá phiếu cho sự ổn định

(VOV5) - Chỉ còn ba ngày nữa đất nước Chùa Tháp sẽ bước vào cuộc bầu cử quan trọng. Đây là cuộc bầu cử quốc hội lần thứ 5 tại Campuchia. Có 8 đảng phái tham gia cuộc bầu cử này, nhưng xem ra, đây chính là “cuộc đua song mã” giữa Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hunsen và Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của ông Sam Rainsy. Tuy nhiên, những diễn biến hiện tại cho thấy lợi thế đang nghiêng hẳn về CPP và cơ hội để Thủ tướng Hunsen tiếp tục con đường đưa Campuchia phát triển là gần như chắc chắn. 


Bầu cử quốc hội Campuchia: Lá phiếu cho sự ổn định - ảnh 1

Tổng thư ký NEC: Mọi công việc đã sẵn sàng cho ngày bầu cử Quốc hội khóa 5 ở Campuchia.
(Ảnh: Nguyễn Xuân Khu/TTXVN)


Theo Ủy ban bầu cử Campuchia, ước tính, sẽ có khoảng 9,6 triệu cử tri trên tổng số 14 triệu dân đi bỏ phiếu để bầu ra 123 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử lần này. Cách đây tròn một tháng, tám chính đảng ở Campuchia, trong đó, có ba chính đảng lớn nhất là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đối lập và Đảng Bảo Hoàng (FUNCINPEC) bắt đầu chiến dịch tranh cử với cam kết sẽ cải thiện cuộc sống của người dân nếu giành chiến thắng.

Với bộ máy tranh cử hùng hậu, cương lĩnh tranh cử của Đảng CPP nhấn mạnh việc tiếp tục ủng hộ ông Hunsen, đương kim Thủ tướng, làm ứng cử viên Thủ tướng nhiệm kỳ 5 năm và các nhiệm kỳ tiếp theo, đồng thời tiếp tục đồng minh với Đảng FUNCINPEC để lập chính phủ mới nếu thắng cử; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác với mọi lực lượng chính trị và các giới trong xã hội để xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Cương lĩnh tranh cử cũng cam kết Campuchia dưới sự lãnh đạo của CPP sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng dựa trên hiến pháp, luật pháp quốc gia, quốc tế, các hiến chương quốc tế nhằm đảm bảo chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Campuchia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; cố gắng đấu tranh thông qua tòa án công lý quốc tế để tòa án này tiếp tục công nhận chủ quyền của Campuchia về ngôi đền Preah Vihear như phán quyết năm 1962. Trong khi đó, theo cương lĩnh tranh cử của đảng đối lập CNRP của thủ lĩnh Sam Rainsy, nếu thắng cử, đảng sẽ cấp cho người dân Campuchia trên 65 tuổi mỗi người 10 USD/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động lên 150 USD, lương công chức lên 250 USD, giảm giá xăng dầu, điện, nước và phân bón, cũng như cung cấp các dịch vụ y tế miễn phí cho người nghèo. Còn đảng FUNCINPEC do Công chúa Norodom Arun Rasmey, con gái út của cố Quốc vương Norodom Sihanouk - lãnh đạo, cam kết bảo vệ chế độ quân chủ, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, thống nhất và hòa giải dân tộc.

Mặc dù các đảng vận động bầu cử và tổ chức các sự kiện lôi kéo cử tri, song theo các quan sát viên, khả năng ông Hunsen và đảng cầm quyền CPP của ông, người đã giành chiến thắng trong hai cuộc bầu cử trước, bị thất bại là rất ít. Ông Hunsen đã cầm quyền ở Campuchia 28 năm, cùng với Quốc vương Bruinei, trở thành những nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất ở Đông Nam Á. Không thể phủ nhận dưới thời Thủ tướng Hunsen, Campuchia đã chuyển từ quốc gia bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Ngành công nghiệp không khói ở nước này được đánh giá là đang thực sự bùng nổ. Năm 2012, Campuchia đã đón 3,5 triệu du khách, đạt doanh thu 2,2 tỷ USD, chiếm 12% GDP của cả nước. Từ một nền dân chủ được hình thành vào năm 1993 sau cuộc bầu cử do Liên Hợp quốc làm trung gian, ít ai ngờ được rằng Campuchia trở thành một “tiểu hổ” ở khu vực này và duy trì đà tăng trưởng kinh tế 10% trong hơn một thập kỷ cho tới khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Bởi vậy, giới phân tích cho rằng, với những gì thực tế ông Hunsen đã làm cho đất nước, chắc chắn, cử tri sẽ không thể mạo hiểm đánh đổi sự ổn định chính trị hiện tại để tin vào những cam kết chưa có gì đảm bảo trong tương lai. Thêm vào đó, trước thềm cuộc bầu cử, Thủ tướng Hunsen đã yêu cầu Hoàng Gia ân xá cho lãnh đạo đảng đối lập Sam Rainsy, người đã bị kết án 11 năm tù và từng sống lưu vong. Hành động này của Thủ tướng Hunsen đã phần nào ghi thêm điểm trong mắt cử tri về hình ảnh một nhà lãnh đạo dân chủ, ủng hộ hệ thống đa đảng cạnh tranh. Việc nhà lãnh đạo đối lập Sam Rainsy được ân xá cũng được xem như là một “van an toàn” để ngăn chặn áp lực chính trị vốn đã âm ỉ từ khi ông này bị kết án và rời khỏi đất nước.

Với sự ủng hộ gần như tuyệt đối của cử tri, đảng CPP chắc chắn sẽ giành được đa số ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc Thủ tướng Hunsen sẽ tiếp tục nắm quyền lãnh đạo đất nước, đưa Campuchia  tiếp tục phát triển ổn định, thịnh vượng, hội nhập đầy đủ hơn vào cộng đồng kinh tế khu vực và quốc tế./.


Phản hồi

Các tin/bài khác