Bầu cử Quốc hội liệu có là giải pháp tích cực cho hòa bình Syria

(VOV5)- Hôm nay 13/4, người dân Syria đi bỏ phiếu bầu Quốc hội. Đây là cuộc bầu cử Quốc hội thứ 2 kể từ khi nội chiến bùng phát tại Syria từ năm 2011 đến nay. Trong bối cảnh cuộc nội chiến tại quốc gia Trung Đông này đã bước sang năm thứ 5 và tình hình hiện tại vẫn rối ren, cuộc bầu cử làm dấy lên hoài nghi về tác động tích cực của nó lên an ninh, nền kinh tế Syria.  


Cuộc bầu cử bắt đầu lúc 7 giờ sáng giờ địa phương và kết thúc lúc 19 giờ cùng ngày. Tổng số ứng cử viên tham gia tranh cử là hơn 3.000 người, nhằm cạnh tranh 250 ghế Nghị sỹ trong Quốc hội. Ủy ban bầu cử tối cao Syria khẳng định toàn bộ 7.000 địa điểm bỏ phiếu trên toàn lãnh thổ được chuẩn bị sẵn sàng.


An ninh và kinh tế: 2 chủ đề thu hút sự chú ý của cử tri

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Tối cao Syria Hisham Al Shaar hôm đầu tuần cho biết người dân Syria tại các tỉnh như Idlib, Raqqa, Aleppo và Deir al-Zour và nhiều tỉnh thành khác có thể bỏ phiếu ở các trung tâm bầu cử tại các khu vực hành chính ở Syria. Trên các đường phố chính ở Thủ đô Damascus của Syria tràn ngập băng rôn, áp phích tuyên truyền cho cuộc bầu cử Quốc hội mà chính quyền của Tổng thống đương nhiệm Bashar al-Assad quyết tâm tổ chức.  Trong khi đó, nhiều cử tri mong muốn nhanh chóng lập lại tình hình an ninh trong nước khi cuộc xung đột tại Syria kéo dài 5 năm qua đã cướp đi mạng sống của 250.000 người, đồng thời tạo ra một cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất trên thế giới từ trước đến nay. Chính vì vậy giải pháp cho cuộc nội chiến giữa các phe phái tại Syria và chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là nội dung  được nhiều ứng cử viên đề cập trong chương trình vận động tranh cử.


Ngoài ra nền kinh tế Syria bị tàn phá nặng nề trong cuộc nội chiến cũng là quan tâm lớn của cử tri. Theo Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cuộc xung đột kéo dài 5 năm qua đã khiến kinh tế Syria thiệt hại hơn 200 tỷ USD. Con số này phù hợp với ước tính của LHQ, cho rằng thiệt hại vật chất khoảng 90 tỉ USD và 169 tỉ USD là thiệt hại từ việc GDP giảm còn chưa đầy một nửa so với mức của năm 2011.


Một vấn đề nữa cũng được cử tri quan tâm là đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng nhằm tập trung nguồn lực tái chiến đất nước Syria. Liên quan tới nội dung này, các ứng cử viên đưa ra các khẩu hiệu như: “Cùng với nhau, tay trong tay, chúng ta sẽ tái thiết Syria”, hay “Vinh quang thuộc về những lá phiếu”.


Bầu cử có đem lại hòa bình Syria

Việc tổ chức bầu cử Quốc hội Syria từng vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của phương Tây và cả phe đối lập Syria. Đại diện Ủy ban tối cao về đàm phán của phe đối lập cho rằng Tổng thống Bashar al-Assad muốn tổ chức bầu cử để làm trì hoãn tiến trình đàm phán ở Geneva.  Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria, gọi sự kiện này là “vi Hiến”.  Đánh giá về ảnh hưởng của cuộc bầu cử, Giám đốc Trung tâm An ninh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Aleksey Arbatov cho rằng cuộc bầu cử Quốc hội Syria có thể sẽ có những tác động tiêu cực lên quy chế ngừng bắn ở Syria. Phe đối lập có thể cáo buộc al-Assad lợi dụng bầu cử để củng cố quyền lực. Giáo sư Zeev Khanin (trường đại học tổng hợp Bar-Ilan, Israel), nhận định bầu cử có thể diễn ra theo hai kịch bản: nếu như bầu cử diễn ra một cách cởi mở, công khai, chính quyền của Tổng thống al-Assad sẽ không nhận được đủ phiếu bầu. Còn nếu như bầu cử vẫn được tổ chức theo nguyên tắc cũ, đảng Baas sẽ tiếp tục giành được đa số phiếu. Hơn nữa, theo ông Zeev Khanin, ngay cả khi siết chặt công tác đảm bảo an ninh cho bầu cử ở Syria thì nhiều khả năng các vụ tấn công khủng bố vào các địa điểm bỏ phiếu vẫn sẽ được IS thực hiện. Với người dân Syria, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, hào hứng với sự kiện này, cũng không ít cử tri tỏ ra không mặn mà. Nhiều cử tri khẳng định sẽ không đi bỏ phiếu vì không có ứng cử viên nào đủ tầm. Ngay cả những người đã từng là nghị sĩ, họ không giúp ích gì cho người dân khi chỉ toàn đưa ra lời hứa.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc tổng tuyển cử mang tính độc lập, hoàn toàn không can thiệp vào tiến trình kiến thiết hòa bình trên các bàn đàm phán do Liên Hợp Quốc bảo trợ tại Geneva, Thụy Sĩ. Về phần mình, tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này cũng đã kêu gọi Syria tiến hành bầu cử tổng thống và tổng tuyển cử trong vòng 18 tháng tới, coi đây là một phần không thể thiếu của tiến trình hòa bình.

Cuộc nội chiến tại Syria kéo dài 5 năm vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Cùng với cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ, cuộc bầu cử Quốc hội lần này được kỳ vọng mang lại tín hiệu tích cực cho hòa bình tại Syria. Tuy nhiên xem ra điều này là không dễ dàng.

Phản hồi

Các tin/bài khác