(VOV5) - Trong 2 ngày 23 và 24/5, hàng chục triệu cử tri Ai cập đi bỏ phiếu bầu Tổng thống. Đây là lần đầu tiên người dân Ai Cập tham gia bầu cử Tổng thống một cách tự do kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ trong cuộc nổi dậy Mùa Xuân Ả Rập cách đây 15 tháng. Tuy nhiên, dư luận dự đoán, 12 ứng cử viên đều khó có khả năng giành chiến thắng áp đảo ngay ở vòng 1.
|
Ảnh: Internet |
Giới phân tích cho rằng không thể phủ nhận cuộc bầu cử lần này có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của Ai Cập. Thứ nhất, cử tri sẽ chọn một vị Tổng thống mới cho đất nước bắc Phi sau hơn 1 năm Tổng thống Mubarak bị lật đổ. Thứ hai, kết quả cuộc bầu cử sẽ kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, một động thái chấm dứt quyền lực của Hội đồng Quân sự cầm quyền, được tất cả các bên trông chờ. Cuộc bầu cử Tổng thống lần này còn cho thấy tiến trình dân chủ ở Ai Cập đang có những bước đi đầu tiên. Từ năm 1952 đến nay, Ai cập trải qua 4 đời Tổng thống nhưng chỉ có các cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của người đứng đầu nhà nước và tuy có tổ chức bầu cử vào năm 2005 nhưng chỉ là hình thức khi những quy định được đưa ra đã khiến phần thắng dường như rõ ràng thuộc về ông Hosni Mubarak. Còn lần này, cử tri có cơ hội chọn nhà lãnh đạo của mình và các ứng cử viên tham gia tranh cử khá công bằng với việc hứa hẹn sẽ kích thích nền kinh tế bằng việc đầu tư vào các ngành công nghiệp, năng lượng, nông nghiệp cũng như đẩy mạnh các dự án dọc kênh đào Suez, để thu hút sự ủng hộ của công chúng.
Tuy diễn ra trong bối cảnh khá thuận lợi nhưng cuộc bầu cử Tổng thống lần này lại khó lựa chọn được người lãnh đạo đất nước ngay từ vòng bỏ phiếu đầu tiên. Kết quả thăm dò dư luận trước thềm bầu cử cho thấy có tới 37% trong tổng số 50 triệu cử tri Ai cập chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên nào. Theo nhận định của giới phân tích, nhiều khả năng sẽ không có ứng cử viên nào trong số 12 ứng cử viên có được trên 50% phiếu bầu để giành chiến thắng ngay tại vòng một. Nếu điều này xảy, hai ứng cử viên giành nhiều phiếu nhất sẽ bước vào vòng 2, dự kiến diễn ra vào ngày 16 - 17/6 tới.
|
Ảnh: Internet |
Trong danh sách các ứng cử viên có nhiều triển vọng bước vào vòng 2, có đến 4 cái tên sáng giá. Đó là cựu Tổng thư ký Liên đoàn Arập Am Muxa (Amr Moussa), cựu Thủ tướng Amét Saphích (Ahmed Shafiq), cựu thành viên tổ chức "Anh em Hồi giáo" Ápđen Mônêim Abun Phôtu (Abdel Moneim Abul Fotouh) và Chủ tịch đảng Tự do và Công lý (FJP) Môhamét Mơxi (Mohamed Mursi) thuộc Tổ chức "Anh em Hồi giáo". Nhìn vào danh sách này, nhiều khả năng, cuộc bầu cử sẽ lại chứng kiến sự cạnh tranh của phe Hồi giáo và phe thế tục cũng như những nhân vật dưới thời Tổng thống Mubarak. Điều này khiến Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược Al-Ahram, ông Diaa Rashwan, đưa ra nhận định khá bi quan: dù ai giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu này đi nữa thì quyền lực vẫn chưa thể tập trung về một mối.
Trong khi kết quả bầu cử Tổng thống vẫn khó đoán định thì dư luận cũng nhận thấy những khó khăn mà tân Tổng thống Ai cập phải đối mặt. 15 tháng kể từ khi ông Mubarak bị phế truất, các cuộc biểu tình bạo lực tiếp diễn và nền kinh tế tồi tệ đi trông thấy. Biểu tình, bạo lực, bất ổn khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà. So sánh thời điểm trước khi xảy ra cuộc nổi dậy, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm từ 1,6 tỷ USD xuống còn 440 triệu USD từ tháng 7 đến tháng 9 năm ngoái. Cán cân thanh toán thâm hụt 2,36 tỷ USD. Năm 2011, doanh thu du lịch giảm 30%. Bên cạnh đó, tình trạng tội phạm cũng gia tăng đáng kể. Đó là chưa kể đến việc chia rẽ và bất đồng giữa các phe phái thời gian qua đã khiến quốc gia bắc Phi này chưa thể đưa ra một Hiến pháp mới thời hậu Mubarak, trong đó chứa đựng những quy định về quyền lực của Tổng thống.
Cách đây hơn một năm, hàng triệu người dân Ai Cập đã xuống đường lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak với hy vọng mở ra một thời kỳ dân chủ, hòa bình và phát triển. Giờ đây, với lá phiếu của mình, cử tri sẽ trực tiếp bầu ra người lãnh đạo đất nước nhưng xem ra, đây cũng là lựa chọn rất khó khăn./.