(VOV5)- Mặc dù có 10 ứng cử viên nộp đủ danh sách 500 chữ ký ủng hộ của các chính khách, quan chức chính quyền theo luật định để có thể bước vào cuộc đua, song dư luận Pháp tập trung quan tâm đến cuộc đua giữa hai ứng cử viên hàng đầu Francois Hollande thuộc đảng Xã hội (PS) và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy. Và kết quả thăm dò dư luận về hai ứng viên này phản ánh phần nào tâm trạng phân vân, hoài nghi của cử tri Pháp.
Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, Tổng thống đương nhiệm Sarkozy thuộc đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đang thu hẹp dần khoảng cách với ứng cử viên Hollande về số phiếu ủng hộ trong vòng một diễn ra vào ngày 22/4. Hãng IFOP công bố kết quả thăm dò ngày 17/3 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Sarkozy đã tăng từ 33% trong tháng Hai lên 36% trong tháng Ba. Tuy nhiên, kết quả này vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ ông nhận được (65%) trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra năm 2007. Đối với vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 6/5, các cuộc thăm dò dư luận hiện vẫn nghiêng về chiến thắng của ông Hollande, cho dù khoảng cách dẫn điểm giữa hai ứng cử viên hàng đầu này đang giảm dần. Kết quả thăm dò của Viện CSA cho thấy trong vòng hai, ông Hollande có khả năng giành 54% số phiếu bầu so với tỷ lệ 46% của ông Sarkozy.
Ứng cử viên hàng đầu Francois Hollande (bên trái) và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy
Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp lần này diễn ra trong bối cảnh nước Pháp không nằm ngoài quỹ đạo của cơn bão kinh tế và tài chính thế giới, đặc biệt là của cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng trầm trọng trong khu vực đồng Euro và những vấn đề khó khăn trong nội bộ Liên minh Châu Âu (EU). Bởi vậy, các cuộc tranh luận, chiến thuật tranh cử của hai ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua vào Điện Elysée đều tập trung vào các chủ đề nóng nêu trên, đặc biệt là vấn đề tăng trưởng kinh tế và việc làm. Tuy nhiên, cử tri Pháp vẫn đang phân vân trong lựa chọn của mình bởi hai ứng viên nặng ký là Francois Hollande và Nicolas Sarkozy, vẫn chưa đưa ra được một cương lĩnh thuyết phục.
Điều cơ bản nhất cử tri muốn thấy là người lãnh đạo nước Pháp sẽ đưa nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu này ra khỏi những khó khăn chồng chất hiện nay như thế nào. Mặc dù cả hai ứng cử viên đều nhấn mạnh đến các cam kết ưu tiên như việc đối mặt với cuộc khủng hoảng, tái khởi động đà tăng trưởng, hay cải thiện vấn đề việc làm và trả nợ, song cách thức tiến hành như thế nào mới là vấn đề gây nhiều tranh cãi bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các nhóm. Ông Francois Hollande cam kết tập trung vào việc tăng thuế đánh vào tầng lớp giàu có để tăng ngân sách đầu tư cho giáo dục, nghiên cứu và việc làm. Ông này cũng giương cao ngọn cờ huy động chống lại giới tài chính và các nhóm quá nhiều đặc quyền, đặc lợi. Tuy nhiên, những người phản đối ông Hollande lại cáo buộc nhà lãnh đạo này "phát tín hiệu lẫn lộn" khi tuyên bố bám vào đường hướng ủng hộ thị trường, nhưng tuyên chiến với khu vực tài chính của Pháp.
Phản bác lại ông Hollande, ứng cử viên Sarkozy thì cho rằng “đây không phải là lúc cho các thử nghiệm kinh tế liều lĩnh và các dự án viển vông”. Đối với Nicolas Sarkozy, vị Tổng thống sắp mãn nhiệm chủ yếu nhấn mạnh đến các yếu tố nhập cư, bất ổn về an ninh và Hồi giáo và thực hiện chính sách bảo hộ kinh tế. Thậm chí, để gia tăng sự ủng hộ cũng như lôi kéo những cử tri cực hữu, ông Sarkozy đã mạnh mẽ tuyên bố sẽ đưa nước này ra khỏi Khu vực tự do đi lại Senghen (Schengen zone) nếu Liên minh châu Âu (EU) không hành động nhiều hơn để giải quyết nạn nhập cư trái phép. Tuy nhiên, những tuyên bố quá mức này đôi khi lại phản tác dụng, làm phức tạp các mối quan hệ của Pháp với EU, vốn đã bị ứng cử viên Hollande đẩy lên một mức khi ông này cam kết sẽ tái khởi động các cuộc đàm phán về khế ước tài khoá của EU vốn đã được 25/27 thành viên EU ký kết nhưng chưa được phê chuẩn.
Từ nay đến ngày bầu cử vòng một, 22/4, cử tri nước Pháp có thể sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong cuộc đua. Theo giới quan sát, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và nhiều chính sách do chính phủ ban hành không được lòng dân, nhưng kinh nghiệm của ông Sarkozy trong quá trình "chèo lái" nước Pháp và vài trò trung tâm của ông trong nỗ lực của châu Âu giải quyết cuộc khủng khoảng nợ công sẽ là vũ khí lợi hại nhất để người đứng đầu nước Pháp chống lại ông Hollande. Còn với ông Hollande, có lẽ tâm lý muốn thay đổi của cử tri Pháp sau 17 năm cầm quyền của cánh trung hữu (với 3 nhiệm kỳ tổng thống trong đó 2 của ông Jacques Chirac và 1 của ông Sarkozy) là một lợi thế. Song vị Tổng thống tương lai nào của Pháp cũng phải đối mặt với món nợ công khổng lồ 1,69 ngàn tỷ Euro, tương đương 85% GDP, tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối năm 2011 đã tăng lên hơn 2,87 triệu người thất nghiệp, chiếm gần 10% lực lượng lao động, là mức cao nhất trong 12 năm qua./.