Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2017

(VOV5) - Thời gian gần đây, khu vực Châu Á có quá nhiều diễn biến khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. 

Đối thoại Shangri-La hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á nă 2017 sẽ khai mạc vào ngày mai (2/6) và kéo dài trong 3 ngày. Là diễn đàn đối thoại thường niên, Shangri-La năm nay, bên cạnh tập trung bàn về các vấn đề nóng của an ninh khu vực, dự kiến cũng sẽ dành một thời lượng lớn cho vấn đề an ninh ở Biển Đông, trong bối cảnh khu vực này có rất nhiều biến động thời gian qua.

Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2017 - ảnh 1  Hội nghị cấp cao An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La, diễn ra tại Singapore từ ngày 2 đến 4/6 tới. Ảnh: straitstimes.com

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi một tổ chức cố vấn độc lập, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó đã được tổ chức từ năm 2002. Và năm nay là năm thứ 16 đối thoại này diễn ra với sự tham dự của các bộ trưởng và quan chức cao cấp quốc phòng đến từ 50 nước.

Bối cảnh khu vực nhiều thách thức

Thời gian gần đây, khu vực Châu Á có quá nhiều diễn biến khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Bán đảo Triều Tiên căng thẳng xung quanh các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; Nguy cơ khủng bố ở Đông Nam Á; Vấn đề an ninh mạng và đặc biệt là bầu không khí ở khu vực Biển Đông liên tục nóng bởi các hoạt động tuần tra, tập trận của các bên liên quan. Gần đây nhất là ngày 25/5, Bắc Kinh bất ngờ lên tiếng phản đối dữ dội trước hành động Mỹ đưa tàu khu trục USS Dewey tới gần khu vực Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên rạn đá và bãi san hô được bồi đắp thành đảo do Trung Quốc tự ý xây dựng bất hợp pháp. Tiếp đến ngày 28/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm trước việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa những “thực thể tranh chấp”. Bắc Kinh tuyên bố  G7 cần ngừng đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm”.

Môi trường an ninh khu vực vốn đã rất phức tạp nay còn trở nên căng thẳng hơn. Do vậy, rất nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi các quốc gia phải có những biện pháp giải quyết cụ thể. Trong bối cảnh đó, diễn đàn an ninh năm nay tập trung thảo luận các nội dung: Duy trì trật tự trong khu vực dựa trên các quy định; Thách thức mới đối với quản lý khủng hoảng ở châu Á-Thái Bình Dương; Thay đổi địa chính trị và chính sách quốc phòng; Xây dựng nền tảng chung về an ninh khu vực và Các mối đe dọa toàn cầu.

Biển Đông vẫn là chủ đề nóng tại Shangri-La

Bắc Kinh thời gian qua đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên các bãi san hô trong khu vực biển được nhiều nước khác cũng tuyên bố chủ quyền. Từ trước tới nay, Mỹ nhiều lần bày tỏ thái độ về vấn đề này. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có thông điệp phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây đảo, đồng thời nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc. Mỹ cũng cam kết sẽ đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Đáp trả lại Mỹ, Trung Quốc luôn khẳng định sẽ cùng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) phối hợp để gìn giữ hòa bình tại vùng biển trên mà không cần Mỹ can thiệp.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trumph lên nắm quyền, chiến lược xoay trục của Mỹ tại Châu Á dường như đi theo một cách tiếp cận khác. Thay vì hướng đến bốn trụ cột của chính quyền người tiền nhiệm nhằm ổn định an ninh an toàn khu vực, các chiến lược của ông Donald Trump lại không nhằm vào quân sự mà vào kinh tế nhiều hơn với việc cam kết sẽ thắt chặt các rào cản kinh tế lên Trung Quốc, kìm hãm Trung Quốc và đảm bảo thương mại tự do có lợi cho Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương. Cùng với đó, trục xoay chính sách quốc phòng Mỹ của Donald Trump ở châu Á tập trung vào xây dựng lực lượng hải quân lớn ở khu vực. 

Biển Đông tiếp tục là chủ đề nóng tại Đối thoại Shangri-La 2017 - ảnh 2 Ảnh minh họa. Nguồn: japantimes.co.jp

Trong bối cảnh đó, Đối thoại Shangri-La năm nay thu hút sự tham gia đông đảo của các quan chức cấp cao, giới hoạch định chính sách, giới nghiên cứu và đại diện nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Đặc biệt, lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, quan chức cấp cao nhất của Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Donald Trump đến dự và phát biểu tại diễn đàn, phần nào sẽ làm sáng tỏ thêm chính sách can dự, đặc biệt là về lĩnh vực an ninh - quốc phòng của Chính phủ Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương. Shangri-La 2017 được trông đợi sẽ tìm ra giải pháp hiệu quả để đảm bảo được an ninh dựa trên luật lệ quốc tế tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên thế giới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác