(VOV5) - Đến nay, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm, trong tổng số 140 thành phố trên toàn nước Mỹ xảy ra biểu tình chống phân biệt chủng tộc và biến thành bạo lực.
Những ngày này, dư luận thế giới đang đổ dồn sự chú ý về nước Mỹ, nơi đang diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực nghiêm trọng xuất phát từ vụ 4 cảnh sát da trắng trấn áp đến mức làm tử vong một người đàn ông da màu ở bang Minnesota. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc giờ đây đã bắt đầu vượt ra ngoài biên giới nước Mỹ.
Người đàn ông da màu tên George Floyd, sống ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tử vong tại bệnh viện sau khi bị viên cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy hơn 9 phút, trong vụ bắt giữ với cáo buộc sử dụng tiền giả ngày 25/5. Bất chấp việc lực lượng cảnh sát Minneapolis đã lập tức sa thải Chauvin và ba cảnh sát khác liên quan đến vụ bắt giữ, các cuộc biểu tình lên án vụ việc vẫn liên tiếp nổ ra, lan rộng và ngày càng trở nên mất kiểm soát.
Biểu tình chống phân biệt chủng tộc bùng phát khắp nước Mỹ
Đến nay, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm, trong tổng số 140 thành phố trên toàn nước Mỹ xảy ra biểu tình chống phân biệt chủng tộc và biến thành bạo lực. Khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tới thủ đô Washington và 15 bang để đảm bảo an ninh, trong khi 2.000 binh sỹ được đặt trong tình trạng trực chiến và sẵn sàng can thiệp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968, thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát, lệnh giới nghiêm được áp đặt tại nhiều thành phố của Mỹ như vậy.
Người dân tham gia tuần hành phản đối nạn phân biệt chủng tộc tại Auckland, New Zealand, ngày 1/6/2020. - Ảnh: THX/TTXVN |
Trước thực trạng này, ngày 1/6, Cựu tổng thống Mỹ Barak Obama đã phải lên tiếng. Trong bài viết trên nền tảng xuất bản trực tuyến Medium, cựu Tổng thống Mỹ lên án hành vi bạo lực trong các cuộc biểu tình, nhấn mạnh rằng các cuộc biểu tình chỉ hiệu quả khi kiến nghị của họ trở thành chính sách, giúp ngăn chặn những cái chết như của Floyd. Cùng ngày, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres cũng ra kêu gọi người Mỹ biểu tình ôn hòa, đồng thời đề nghị lãnh đạo nước này kiềm chế, lắng nghe người dân. Từ Canada, Thủ tướng Justine Trudeau cho biết người Canada bị “sốc” trước tình trạng biểu tình bạo lực tại Mỹ.
Theo truyền thông và nhiều nhân chứng, tình trạng biểu tình bạo lực hiện nay là tồi tệ chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ hiện đại. Tuy nhiên, một số ý kiến thậm chí còn cảnh báo rằng, điều tồi tệ nhất vẫn còn đang ở phía trước, ám chỉ vấn đề có thể còn diễn biến phức tạp và khó lường hơn trong những ngày tới. Đáng chú ý hơn, biểu tình chống phân biệt chủng tộc giờ đây đã bắt đầu vượt biên giới Mỹ, lan sang nhiều quốc gia khu vực và thế giới.
Và lan rộng sang nhiều quốc gia
Ngày 1/6, tại thành phố Auckland của New Zealand, khoảng 2.000 người đã tuần hành trước Lãnh sự quán Mỹ, hô vang các khẩu hiệu “Không có công lý, không hòa bình” và kêu gọi quan tâm tới cuộc sống của người da màu. Khoảng 500 người cũng đã xuống đường tuần hành tại thành phố Christchurch của New Zealand. Tại Anh, hàng trăm người đã tập trung tại Quảng trường Trafalgar ở thủ đô London, hô vang khẩu hiệu ủng hộ bình đẳng và hòa bình trước khi tiếp tục tuần hành qua tòa nhà Quốc hội và dừng chân bên ngoài Đại sứ quán Mỹ. Còn tại Đức, hàng trăm người biểu tình đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Berlin, hô vang khẩu hiệu “Công bằng cho George Floyd”.
Đặc biệt, tại Canada, chiều tối 31/5 (giờ địa phương), hàng nghìn người đã tập trung trước trụ sở cảnh sát thành phố Montreal để biểu tình phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc. Những người tổ chức cuộc biểu tình cho biết, mục đích của hoạt động này là nhằm thể hiện tình đoàn kết với phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Trước đó một ngày, khoảng 4.000 người Canada ở thành phố Toronto cũng đã tiến hành cuộc biểu tình phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và kỳ thị thổ dân. Đáng chú ý, đụng độ đã được ghi nhận xảy ra trong một số cuộc biểu tình và nhiều người biểu tình đã bị bắt giữ.
Trong khi đó, nhiều lời kêu gọi biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc cũng đang được lan truyền tại nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, châu Á…, để bày tỏ sự đoàn kết với các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ. Một số nguồn tin dự báo, biểu tình chống phân biệt chủng tộc lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình ở Mỹ, sẽ còn lan rộng sang nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới trong những ngày tới.
Theo giới phân tích, hiệu ứng lan rộng sang các quốc gia khác của các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ cho thấy, vấn đề phân biệt chủng tộc vẫn luôn là chủ đề cực kỳ nhạy cảm và là mối quan tâm lớn của công chúng và dư luận quốc tế. Dù còn nhiều khía cạnh phải bàn đến như vấn đề bạo lực, bạo loạn, song rõ ràng khát vọng đấu tranh cho hòa bình, công bằng và chính nghĩa vẫn luôn tồn tại trên thế giới này.