(VOV5)- Tại thành phố Ufa, Liên bang Nga đang diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) và Phiên họp hội đồng Nguyên thủ các quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Đây là hai sự kiện lớn của hai khối kinh tế mà hiện Nga đang giữ vai trò Chủ tịch. Giữa lúc căng thẳng giữa Nga và Phương Tây vẫn chưa giảm thiểu, Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để Nga tìm sự hỗ trợ của các thành viên nhằm giải tỏa vấn đề Ukraine, đồng thời thúc đẩy vai trò lãnh đạo trong khối, đang được đánh giá có thể trở thành một đối trọng toàn cầu.
Hơn 20 lãnh đạo các quốc gia thành viên BRICS, Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Nguyên thủ khách mời từ Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG tham dự Hội nghị. Các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương trong khuôn khổ Hội nghị tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị; xây dựng cơ chế phát triển toàn diện, với một trong những ưu tiên là tạo ra dự trữ ngoại hối, nhằm tránh tổn thất cho các quốc gia thành viên trước những tác động từ bên ngoài.
Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), được thành lập vào năm 2006 theo sáng kiến của Nga và đã trở thành nhóm “có ảnh hưởng lớn tới chính sách và kinh tế thế giới”.
|
Đại diện cấp cao các nước thành viên Nhóm BRICS chụp ảnh tại hội nghị ở Moscow ngày 27/5. (Ảnh: THX) |
BRICS hiện nay
Hiện nay, BRICS chiếm 26% tổng diện tích toàn cầu, 42% dân số thế giới và 27% tổng GDP toàn cầu. Đây là thị trường tiêu thụ đang tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới, mỗi năm khoảng 500 tỷ USD. Trong khi đó, Tổ chức hợp tác Thượng Hải với 6 nước thành viên chính thức và 5 quan sát viên, được xem như một khối tăng trưởng mạnh mẽ mới ở phương Đông. Ngân hàng thế giới dự báo đến năm 2025, danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có sự thay đổi đáng kể. Tổng GDP toàn cầu đạt khoảng 100 nghìn tỷ USD, trong đó riêng 10 quốc gia hàng đầu thế giới đã chiếm tới 60% con số này và có tới 3/5 quốc gia BRICS nằm trong top 10 nói trên. Theo đánh giá của Liên hợp quốc, các nước thành viên BRICS và SCO trong vòng 30 năm tới hoàn toàn có khả năng thách thức khối G7 trên trường kinh tế và chính trị toàn cầu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là cả Mỹ và phương Tây dường như chưa chú ý đúng mức với sự phát triển cả về chính trị và kinh tế của BRICS và SCO. Từ trước tới nay, đã có nhiều ý kiến cho rằng BRICS hoạt động không thực chất, chỉ tồn tại trên lý thuyết. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ cả về tiềm năng kinh tế và chính trị các nước thành viên, BRICS hiện nay được phương Tây nhìn nhận như một liên minh mới nổi bao gồm các đối thủ cạnh tranh.
Trong khi đó, theo quan điểm của nước BRICS, đường lối của Mỹ và các đồng minh muốn đóng vai trò lãnh đạo trong các công việc quốc tế là một con đường sai lầm và nguy hiểm. Còn sự hợp tác cùng có lợi và đối thoại mang tính xây dựng là một mô hình hiệu quả trong quan hệ quốc tế và BRICS đang thúc đẩy cách tiếp cận theo hướng này, nhằm kết hợp hài hòa lợi ích của các nước thành viên, để mở rộng vai trò ảnh hưởng của khối. Trên thực tế, khối lượng thương mại trong BRICS đang phát triển nhanh chóng. Theo ước tính, tổng sản lượng kinh tế năm 2014 của 5 nền kinh tế BRICS đã gần tương đương so với mức GDP của Mỹ, trong khi hồi năm 2007, kinh tế Mỹ có quy mô lớn gấp đôi so với BRICS. Nhiều dự án hợp tác mới được hình thành, điển hình xây dựng hành lang giao thông phía Nam. Khối BRICS không ngừng mở rộng phạm vi hợp tác, cả trong những lĩnh vực mới như khoa học công nghệ, biến đổi khí hậu…
Vai trò dẫn dắt của Nga
Kể từ khi trở thành chủ tịch nhóm BRICS từ ngày 1/1/2015, Nga đã đặc biệt nhấn mạnh những ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẽ đem những ý tưởng mới để làm phong phú thêm hoạt động thực tiễn của khối. Một trong những phương hướng quan trọng nhất sẽ là thiết lập trật tự thế giới hài hòa ở tất cả các cấp, từ hệ thống tài chính và kinh tế toàn cầu đến vấn đề an ninh. Vì vậy, tại Hội nghị lần này, chủ đề kinh tế, thúc đẩy giao lưu thương mại là nội dung ưu tiên, trong đó trọng tâm thúc đẩy Ngân hàng Phát triển Mới với số vốn 100 tỷ USD cùng với đưa Quỹ Dự trữ ngoại tệ chung của nhóm đi vào hoạt động. Ngân hàng này sẽ tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và đảm bảo sự phát triển bền vững của nhóm cũng như các nước đang phát triển khác. Ngân hàng 100 tỉ USD này nếu đi vào hoạt động sẽ thách thức vai trò của các tổ chức do phương Tây lập ra là Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, trở thành một trong những tổ chức cho vay then chốt của thế giới. Bên cạnh đó, các vấn đề an ninh quốc tế, bao gồm cuộc khủng hoảng Syria, tình hình xung quanh Iran, tiến trình hòa bình Trung Đông, cũng như Ukraina, Hy Lạp và IS, cũng nằm trong nội dung ưu tiên của chương trình nghị sự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2015.
Hiện tại, quan hệ của Nga với phương Tây đang căng thẳng. Quyền chủ tịch của Nga trong BRICS đang tạo ra cơ hội để Nga thể hiện vai trò dẫn dắt khối. Cùng với Ấn Độ, Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ và nhiều tham vọng, BRICS chắc chắn sẽ có tầm ảnh hưởng lớn hơn trong một thế giới đa cực mới. BRICS đang được chú ý như một chủ thể độc lập và có sức nặng trong sân chơi kinh tế, chính trị toàn cầu.