(VOV5)- Sau 43 giờ đàm phán liên tiếp và căng thẳng, rạng sáng nay, hai miền Triều Tiên đã đạt một thỏa thuận gồm một loạt các giải pháp "tháo ngòi nổ" cho cuộc khủng hoảng, vốn đẩy 2 nước tới bờ vực của chiến tranh. Thỏa thuận được đánh giá là bước khởi đầu cho một chương mới trong mối quan hệ liên Triều.
Theo nội dung thỏa thuận, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng trrong thời gian sớm nhất có thể nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, cũng như sẽ tiếp tục đối thoại và đàm phán về các vấn đề khác. Hai bên đồng ý tiến hành cuộc đoàn tụ các gia đình bị li tán trong chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vào dịp Trung Thu sắp tới và tiếp tục tổ chức các cuộc đoàn tụ trong tương lai, đồng thời sẽ tiến hành phiên họp giữa Hội Chữ thập Đỏ hai miền vào đầu tháng 9 tới để chuẩn bị cho các cuộc đoàn tụ này. Bên cạnh đó, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên nhất trí thúc đẩy giao lưu dân sự giữa hai miền trên nhiều lĩnh vực.
|
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Hong Yong-pyo (trái) bắt tay với Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương Triều Tiên Kim Yang-gon sau khi đạt được thỏa thuận - Ảnh: Reuters |
Đáng chú ý nhất trong thỏa thuận này và đây cũng được xem là nội dung cơ bản nhất nhằm “tháo ngòi căng thẳng” là Bình Nhưỡng bày tỏ lấy làm tiếc về việc các binh sỹ Hàn Quốc bị thương trong vụ nổ mìn ở khu phi quân sự (DMZ) bên phía Hàn Quốc thời gian vừa qua. Cùng với đó, Hàn Quốc khẳng định sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền chống Bình Nhưỡng bằng hệ thống loa phát thanh tại khu vực biên giới bắt đầu từ 0h00 ngày 25/8. Đổi lại, CHDCND Triều Tiên đồng ý bãi bỏ quân lệnh chuyển quân đội sang trạng thái chiến tranh. Cộng đồng quốc tế đã lập tức hoan nghênh thỏa thuận vừa đạt được giữa hai miền Triều Tiên.
Dấu hiệu tích cực từ cuộc đàm phán
Những thỏa thuận trên đã khép lại 43 giờ đồng hồ đàm phán cùng những tuyên bố "quân đội ở thế sẵn sàng" từ cả hai phía. Việc Seoul và Bình Nhưỡng "bắt tay" cũng được kì vọng sẽ tạm thời đặt dấu chấm hết cho căng thẳng quân sự tại bán đảo Triều Tiên.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên từ lâu nay vẫn luôn là “bổn cũ soạn lại” ở khu vực này, thu hút sự chú ý của các nhà quan sát. Căng thẳng tăng cao trong những tuần gần đây thực chất chỉ là động thái mới của chính sách “bên miệng hố chiến tranh” mà Bình Nhưỡng thường xuyên áp dụng để phản đối cuộc tập trận quân sự chung thường niên giữa Mỹ và Hàn Quốc. Vụ đấu pháo giữa hai bên và việc CHDCND Triều Tiên đẩy mạnh sự hiện diện của quân đội ở gần biên giới với Hàn Quốc đã gây quan ngại cho các nhà quan sát. Tuy nhiên, việc quan chức hai miền Triều Tiên nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, cùng nhau thương thảo các vấn đề nhằm tháo gỡ ngòi nổ chiến tranh là một dấu hiệu tích cực. Bởi xét về bản chất, cuộc khủng hoảng lần này chưa thể leo thang như mức độ như năm 2013, khi một loạt vụ thử tên lửa tầm xa và vụ thử hạt nhân lần 3 của CHDCND Triều Tiên đã đặt nước này vào một loạt đòn trừng phạt gay gắt hơn của Liên Hợp Quốc. Qua chính sách “bên miệng hố chiến tranh” lần này, có thể thấy CHDCND Triều Tiên không muốn đẩy tình hình căng thẳng đến mức mất kiểm soát, mà trái lại muốn dùng hành động khiêu khích để gây sức ép buộc Hàn Quốc đàm phán.
Phá vỡ cục diện đóng băng lâu ngày
Thỏa thuận đạt được giữa hai miền đã nhận được sự hoan nghênh từ cộng đồng quốc tế. Thỏa thuận không chỉ làm dịu tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên mà còn mở ra con đường cải thiện mối quan hệ liên Triều.
Trước hết, thỏa thuận vừa đạt được bao gồm tất cả những điểm chính mà hai bên mong muốn. Đó là nhất trí tiến hành các cuộc đối thoại và đàm phán, tiến tới tổ chức cuộc đàm phán cấp cao giữa hai chính phủ. Kể từ cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên tháng 2/2014, không thể phủ nhận thiện chí của hai bên, nhất là từ phía Bình Nhưỡng trong nỗl ực thu hẹp bất đồng. Tại đàm phán lần này, việc CHDCND Triều Tiên bày tỏ lấy làm tiếc về vụ nổ mìn là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây. Giọng điệu mang tính tưởng chừng xã giao nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện thiện chí của hai bên trong việc chấm dứt sự đối kháng, hướng tới thiết lập môt khuôn khổ mới cho mối quan hệ liên Triều. Cũng theo các nhà quan sát, về thực chất, cuộc gặp vừa qua giữa hai miền Triều Tiên được coi như một cuộc gặp thượng đỉnh gián tiếp giữa hai nhà lãnh đạo bởi dẫn đầu 2 đoàn đàm phán lần này là những trợ lý thân cận nhất của Tổng thống Park Geun-hye và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là những người có thể truyền đạt một cách rõ ràng ý tưởng của các lãnh đạo.
Hy vọng một Hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến lạc quan cũng còn một số ý kiến cho rằng nhiều vấn đề cốt lõi giữa hai bên vẫn chưa được giải quyết. Thỏa thuận vừa đạt được có thể được coi là một bước tiến bộ, nhưng vấn đề cốt lõi là chương trình hạt nhân của Triều Tiên vẫn chưa được thảo luận. Từ sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi hai bên mới chỉ ký kết một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải một hiệp ước hòa bình. Bao năm qua, vòng luẩn quẩn của sự khiêu khích và lệnh trừng phạt trên bán đảo Triều Tiên đã cản trở khiến tiến trình bình thường hóa quan hệ liên Triều. Với thỏa thuận đạt được lần này, dư luận một lần nữa lại dấy lên hy vọng hai miền Triều Tiên sẽ xây dựng lòng tin từ các vòng đàm phán mới trong thời gian tới. Từ đó có thể tiến tới ký kết một Hiệp ước hòa bình và thống nhất, thay thế cho một hiệp ước đình chiến tạm thời.