Khó cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên

(VOV5)- Giải pháp nào cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên là câu hỏi mà cho đến nay các bên vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng


Nhất trí gia tăng sức ép và các biện pháp cấm vận lên CHDCND Triều Tiên trong khi vẫn tiếp tục duy trì những nỗ lực đưa quốc gia Nam Á này quay trở lại bàn đàm phán là nội dung của cuộc gặp gỡ cấp cao 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc hôm qua tại thủ đô Seoul. Trong bối cảnh những động thái được cho là “khiêu khích” của Bình Nhưỡng thời gian gần đây, những tuyên bố cứng rắn của trưởng đoàn đàm phán 3 trong số các nước tham gia đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, dự báo sẽ làm tình hình ở khu vực thêm căng thẳng.


Tại cuộc gặp ở Seoul, Hàn Quốc, đại diện ba nước thống nhất rằng những bước tiến mới về năng lực hạt nhân của Triều Tiên trong thời gian gần đây là "rất nghiêm trọng" và chia sẻ "ý thức cấp bách" trong việc giải quyết vấn đề. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc Hwang Joon-kook cảnh báo, Bình Nhưỡng sẽ đối mặt với sức ép gia tăng từ cộng đồng quốc tế nếu họ tiếp tục những động thái khiêu khích như trong thời gian qua và sự cô lập về ngoại giao và kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên sẽ lớn hơn. Ngoài ra, ba bên cũng tái khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau về vấn đề Triều Tiên cũng như duy trì sự thống nhất giữa 5 bên, bao gồm cả Nga và Trung Quốc.



Khó cải thiện tình hình trên bán đảo Triều Tiên - ảnh 1
Quân đội Hàn Quốc tuần tra dọc biên giới (Ảnh AP)

Những hành động gia tăng căng thẳng


Giữa lúc vụ việc CHDCND Triều Tiên tuyên bố tiến hành thành công vụ phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hồi tuần trước đang còn gây nhiều tranh cãi thì mới đây nước này tiếp tục triển khai xây nhiều boong-ke quân sự trên hòn đảo biên giới với Hàn Quốc.  Theo cáo buộc của Seoul, đảo Galdo, cách 2,5km đường biên giới biển trên thực tế với Hàn Quốc, được trang bị các bệ phóng đa tên lửa 122mm và các trạm gác để giám sát hoạt động của hải quân và tàu tuần tra Hàn Quốc. Nếu hai nước xảy ra xung đột, Galdo sẽ là căn cứ gần nhất để tấn công vào các đảo gần biên giới của Hàn Quốc. Căn cứ gần nhất của Hàn Quốc là trên đảo Jangjaedo, cách đảo Yeonpyeongdo 7km. Phía Hàn Quốc cho rằng đã có ít nhất 5 trại quân đội được xây dựng và Seoul coi đây là “mối đe dọa nghiêm trọng”. Quân đội Hàn Quốc ngay lập tức đã đưa các tên lửa Spike với tầm xa 20km đến hai đảo Yeonpyeongdo và Baengnyeongdo để bảo vệ khu vực. 


Quân đội Mỹ và Hàn Quốc cũng hối hả vạch ra một loạt kế hoạch ứng phó, trong đó có cả lựa chọn tấn công phủ đầu các căn cứ tàu ngầm Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc cũng bàn tới việc triển khai một hệ thống thiết bị tàu ngầm phát hiện các dấu hiệu của một vụ phóng tên lửa sắp diễn ra để tấn công phủ đầu phá hủy. Hiện Seoul cũng đang cân nhắc mua thêm một hệ thống rada từ Israel để mở rộng tầm bao phủ. Một khi phát hiện tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đối phương, các tên lửa SM-3 trên tàu khu trục Aegis của hải quân Mỹ có thể đánh chặn. 


Triển vọng nối lại đàm phán rất mong manh


Đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên vốn bị bế tắc suốt thời gian dài (từ tháng 12-2008 đến nay). Mấu chốt vấn đề là trong khi Mỹ và các đồng minh muốn Bình Nhưỡng phải thể hiện thiện chí bằng những cam kết về hạt nhân, đổi lại, quốc gia này sẽ nhận được viện trợ và những nhượng bộ chính trị nhất định, thì Bình Nhưỡng lại yêu cầu Washington và các đồng minh phải công nhận nước này là cường quốc vũ khí hạt nhân. Chính vì thế, nhiều năm qua khu vực này vẫn chứng kiến vòng luẩn quẩn giữa phóng tên lửa, trừng phạt, tập trận khiêu khích và chỉ trích, cảnh báo lẫn nhau. Các hành động “ăn miếng trả miếng” luôn đi kèm với lời cảnh báo đã làm gia tăng thêm căng thẳng vốn có giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.


Trước những diễn biến hiện nay, triển vọng về việc sớm nối lại các cuộc đàm phán về giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, theo các chuyên gia nhận định, là rất mong manh. CHDCND Triều Tiên không những thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mà còn tuyên bố hiện có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa. Hiện, hy vọng đang dồn vào Trung Quốc,đồng minh lớn và cũng là nhà bảo trợ lớn của Bình Nhưỡng. Trong ngày hôm nay, các đặc sứ Mỹ và Hàn Quốc đến thủ đô Bắc Kinh để gặp người đồng cấp Trung Quốc, mong muốn Bắc Kinh dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ những tham vọng hạt nhân. Song, trong bối cảnh Mỹ xoay trục về Châu Á, Trung Quốc cũng muốn duy trì quan hệ tốt với đồng minh truyền thống CHDCND Triều Tiên hơn là giải quyết chương trình hạt nhân của nước này. Giới phân tích cho rằng phía Trung Quốc sẽ vẫn duy trì quan điểm vấn đề hạt nhân Triều Tiên phải được giải quyết thông qua đối thoại. 


Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên là mối quan hệ phức tạp, lúc hòa dịu lúc căng thẳng, bởi giữa 2 bên đang tồn tại nhiều mâu thuẫn không dễ gì dung hòa, và quan trọng nhất là lòng tin dành cho nhau vẫn chưa có nhiều. Các bên cần sớm thỏa hiệp để tạo thuận lợi cho việc khởi động lại các cuộc đàm phán thực chất. Theo nhận định của giới chuyên gia, bất kể hành động của mỗi bên là tấn công hay phòng thủ, môi trường an ninh bất ổn trên bán đảo Triều Tiên không có lợi cho việc giải quyết các căng thẳng an ninh khu vực. Giải pháp nào cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên là câu hỏi mà cho đến nay các bên vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Có thể các biện pháp xây dựng lòng tin có thể tạo thành một phần của lộ trình giải giáp vũ khí trên bán đảo Triều Tiên./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác