(VOV5) - Với 236 phiếu thuận và 189 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 17/6 đã nhất trí lùi thời điểm bỏ phiếu lần thứ 2 về dự luật Điều chỉnh Hỗ trợ thương mại (TAA), một phần quan trọng trong gói dự luật về Quyền thúc đẩy thương mại (hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh TPA), tới ngày 30/7. Số phận của TPA hiện chưa biết sẽ ra sao, nhưng có một điều chắc chắn rằng dự luật chưa được thông qua đã kéo lùi tiến trình đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Washington đang thúc đẩy, đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ đang nắm quyền hành pháp.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đến đồi Capitol vận động các nghị sĩ Dân chủ nhưng bất thành - Ảnh: Reuters
Với việc gia hạn, Tổng thống Mỹ Barack Obama và những người ủng hộ TPA sẽ có thêm thời gian tìm kiếm những giải pháp cứu vãn dự luật thúc đẩy thương mại này. Tuy nhiên, cơ hội để Tổng thống B.Obama sở hữu TPA và hoàn tất TPP, theo nhận định của giới quan sát, là rất thấp bởi trước đó, dự luật đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ khi tỷ lệ phiếu chống là 302 so với 126 phiếu thuận. Điều trớ trêu, dự luật lại do chính những nghị sĩ đến từ đảng Dân chủ của Tổng thống B.Obama bác bỏ.
Số phận của TPA
TAA là một phần trong gói dự luật về Quyền thúc đẩy thương mại (TPA). Dự luật này được soạn thảo nhằm hỗ trợ cho người lao động Mỹ bị mất việc làm vì Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Washington đang thúc đẩy. Tới nay, các cuộc đàm phán về TPP gần như đã hoàn tất, song các đối tác thương mại cho biết họ muốn chính quyền Tổng thống B.Obama có được TPA trước khi hoàn tất hiệp định. Dự luật này được thông qua, sẽ là công cụ cho phép Tổng thống Mỹ đệ trình lên Quốc hội nước này các thỏa thuận thương mại mà các nghị sĩ ở lưỡng viện chỉ có thể phê chuẩn hoặc bác bỏ chứ hoàn toàn không có quyền sửa đổi. Dự luật này được xem là một điều kiện thiết yếu để Tổng thống Barack Obama có toàn quyền xúc tiến các cuộc đàm phán TPP với 11 quốc gia đối tác nhằm hình thành một khu vực thương mại tự do chiếm tới 30% tổng kim ngạch thương mại và 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, tại cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện hôm 12/6, bất chấp nỗ lực của Tổng thống B.Obama đi tới tận nơi vận động, TAA vẫn bị bác bỏ. Trong khi hầu hết nghị sĩ đảng Cộng hòa hưởng ứng TPP thì phần lớn nghị sĩ đảng Dân chủ lo ngại TPP chỉ mang lại lợi ích cho các công ty đa quốc gia, còn người lao động trong nước sẽ mất việc do các công ty Mỹ tìm nguồn nhân công giá rẻ ở nước ngoài. Thêm vào đó, đề xuất cắt 700 triệu USD trong khoản ngân sách 2,6 tỷ USD tiền bảo hiểm y tế dành cho người cao tuổi để hỗ trợ cho chương trình TAA của Tổng thống B.Obama cũng bị các nghị sĩ đảng Dân chủ kịch liệt phản đối. Trong khi đó, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi thậm chí còn không hề úp mở khi tuyên bố bỏ phiếu chống đối với TAA để ngăn chặn quyền đàm phán nhanh. Trong lá thư gửi cho các nghị sĩ sau cuộc bỏ phiếu, bà Pelosi hối thúc các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa phối hợp soạn thảo một dự luật thương mại mới, trong đó có những điều khoản mạnh mẽ hơn nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động Mỹ và môi trường.
Mấu chốt là quyền lợi của người lao động
Như vậy, số phận của TPA như thế nào phải chờ đến 30/7 tới mới biết chính xác. Chỉ biết rằng việc giành TPA chắc chắn sẽ là một cuộc chiến cam go với Nhà Trắng. Thất bại vừa qua ở Hạ viện Mỹ cho thấy Tổng thống B.Obama sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn khi chỉ còn chưa đầy 18 tháng ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai của mình. Kết quả này cũng đồng thời cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Đảng Dân chủ. Sở dĩ các nghị sĩ kiên quyết bảo vệ lợi ích của người lao động trong nước là do mối quan hệ mật thiết với các tổ chức công đoàn Mỹ. Họ không muốn mất đi cơ hội tái đắc cử trong nhiệm kỳ tới. Một nghị sĩ Dân chủ đã thẳng thắn bày tỏ nhiệm kỳ của Tổng thống B.Obama chỉ vỏn vẹn còn 18 tháng nữa, trong khi các công đoàn từng ủng hộ đảng Dân chủ nhiều năm qua sẽ còn hoạt động trong nhiều năm tới. Sự phản đối mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn ít nhất cũng là một mối đe dọa đối với khả năng tái đặc cử của bất kỳ nghị sĩ Dân chủ nào bỏ phiếu ủng hộ TPP.
Theo các nhà phân tích, từ chối cấp thẩm quyền đàm phán nhanh sẽ khiến cho chính quyền Tổng thống B.Obama khó khăn hơn trong việc có được thỏa thuận TPP, vốn đã chậm mấy năm so với lịch trình. TPA có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tiến trình đàm phán về TPP bởi các cuộc đàm phán về một hiệp định thương mại tự do toàn diện và tiêu chuẩn cao như TPP vốn dĩ đã diễn ra hết sức phức tạp và việc đạt được đồng thuận giữa 12 nước thành viên trong tất cả các vấn đề là hết sức khó khăn. Cuối tháng 5 vừa qua, hội nghị cấp bộ trưởng về TPP đã định tổ chức phiên cuối cùng nhưng đã bị hủy bỏ do Nhật Bản và Chile tuyên bố không thể hoàn tất đàm phán TPP đến khi dự luật TPA được thông qua tại cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố rất rõ nước này khó có khả năng thực hiện các nhượng bộ chính trị cần thiết để ký TPP nếu Quốc hội Mỹ có quyền chỉnh sửa các thỏa thuận sau cùng.
TPP sẽ gặp nhiều khó khăn trước khi cán đích
Tuy nhiên đây chưa phải hồi kết với TPA. Dù dự luật Hỗ trợ điều chỉnh thương mại (TAA) thất bại nhưng gói dự luật Quyền đàm phán nhanh (TPA) vẫn còn cơ hội khi từ nay đến 30/7, Tổng thống B.Obama sẽ có thêm thời gian để thuyết phục các nghị sĩ Dân chủ. Dù đã được kỳ vọng là một di sản kinh tế của Tổng thống B.Obama, nhưng đàm phán TPP có thể sẽ phải kéo dài thêm một thời gian nữa với nhiều khó khăn. Trong bối cảnh Mỹ muốn khẳng định vai trò lãnh đạo ở Châu Á trước một Trung Quốc đang trỗi dậy, Washington chắc chắn sẽ phải tìm được tiếng nói chung để không thể bỏ lỡ cơ hội đưa TPP cán đích./.