(VOV5) - Ngày 22/4, tại cuộc họp ở Luxemburg, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp cấm vận kinh tế, thương mại đối với Myanmar cũng như những biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Myanmar. Động thái này được xem là cú hích quan trọng, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia ở Đông Nam Á này.
Quyết định bãi bỏ lệnh cấm vận Myanmar của Liên minh châu Âu được đưa ra đúng một năm sau ngày EU quyết định nới lỏng phần lớn các biện pháp trừng phạt thương mại, kinh tế và cá nhân đối với Myanmar, ngoại trừ lệnh cấm vận vũ khí. Cụ thể, EU sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với hơn 800 công ty hoạt động ở các lĩnh vực gỗ, khai khoáng; cho phép đầu tư vào khoảng 50 công ty gần gũi với chính phủ; chấm dứt các hạn chế nhập cảnh và lệnh cấm đi lại đang ảnh hưởng tới gần 500 người Myanmar đến các nước EU.
Lý do khiến các Ngoại trưởng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu nhất trí bãi bỏ lệnh cấm vận Myanmar là vì tiến trình cải cách ấn tượng của quốc gia Đông Nam Á này sau một loạt những cải tổ sâu rộng cả về chính trị và kinh tế. Phụ trách chính sách đối ngoại EU Catherine Ashton cho biết mục tiêu của khối là ủng hộ những tiến bộ cải cách ở quốc gia Đông Nam Á và động thái này chắc chắn khiến Chính phủ Myanmar hài lòng và mở đường cho các doanh nghiệp nước ngoài tới đây hoạt động.
Có thể nói việc EU bãi bỏ hầu hết lệnh cấm vận với Myanmar một mặt thể hiện những cam kết của EU trong việc ủng hộ cải cách dân chủ, mặt khác nó cũng giúp cho châu Âu không bị chậm chân trong việc tiến vào thị trường Myanmar, nhất là trong bối cảnh Nhật Bản tuyên bố từng bước xóa khoản nợ 3,7 tỷ USD và nối lại các cam kết viện trợ phát triển để ủng hộ cải cách kinh tế của Myanmar. Australia cũng thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tổng thống Myanmar cùng hơn 200 công dân nước này đang bị cấm vận về di chuyển và tài chính. Trước đó, Mỹ đã tuyên bố đang từng bước nới lỏng các hạn chế tài chính với quốc gia Đông Nam Á này.
|
Tổng thống Myanmar Thein Sein (phải) và Thủ tướng Na Uy Stoltenberg tại Oslo(ảnh: Reuters) |
Bước đi mới của EU sẽ cho phép các công ty của châu Âu đầu tư vào Myanmar, quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là trong phát triển công nghiệp khai khoáng, một lĩnh vực béo bở với các nhà đầu tư châu Âu. Hơn nữa, gần đây, Myanmar còn cho đấu thầu quyền khai thác 30 mỏ dầu và khí gas của nước này. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như ngân hàng và viễn thông cũng rất hấp dẫn châu Âu. Trước khi các Ngoại trưởng EU nhất trí bãi bỏ các biện pháp cấm vận, nhiều công ty của châu Âu đã ngỏ ý muốn rót vốn vào Myanmar, đơn cử như hãng bia Carlsberg của Đan Mạch tuyên bố sẽ ở quay trở lại Myanmar sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.
Quyết định định bãi bỏ lệnh cấm vận Myanmar của Liên minh châu Âu cũng được giới doanh nghiệp Myanmar đón nhận nồng nhiệt. Phó Chủ tịch Liên hiệp các Phòng thương mại và công nghiệp, Chủ tịch Hội các nhà sản xuất dệt may Myanmar, ông Myint Soe, cho rằng quyết định của Liên minh châu Âu sẽ mở ra một thị trường quan trọng cho hàng hóa của nước này.
Tuy nhiên, với EU, việc dỡ bỏ lệnh cấm vận với Myanmar mới chỉ là bước đi đầu tiên của khối với quốc gia Đông Nam Á này bởi Myanmar hiện vẫn còn thiếu rất nhiều điều kiện về hạ tầng cơ sở, nhất là khía cạnh pháp lý, để có thể làm an lòng các nhà đầu tư. Tính minh bạch trong quản trị ở Myanmar cũng là điều khiến giới đầu tư lo lắng khi nước này bị xếp 172/174 quốc gia về sự minh bạch và tham nhũng. Ngoài ra còn có sự nghi ngại trước những làn sóng bạo lực do xung đột sắc tộc tại Myanmar gây ra.
Tác động từ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế, thương mại của EU đối với Myanmar tuy còn cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng quyết định này đã sẵn sàng mở ra một chương mới trong quan hệ với Myanmar, đặt nền tảng cho việc xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững./.