(VOV5) - Lần đầu tiên kể từ năm 1961, Mỹ và Cuba sẽ bắt đầu bình thường hoá quan hệ. Động thái mang ý nghĩa lịch sử này vừa được lãnh đạo cả hai bên tuyên bố vào ngày 17/12 ngay lập tức nhận được sự tán đồng của cộng đồng quốc tế. Quyết định này mở ra một chương mới trong quan hệ giữa quốc đảo Caribean và cường quốc số 1 thế giới.
|
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong lần gặp mặt hiếm hoi tại Nam Phi - Ảnh: Reuters |
Ngày 17/12/2014 đã trở thành một dấu mốc lịch sử trong quan hệ đầy sóng gió giữa Cuba và Mỹ trong hơn nửa thế kỷ qua khi Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng thời công bố quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao, mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ song phương trong thời gian tới.
Những bước đi đầu tiên cho việc bình thường hóa quan hệ
Trong một động thái đầu tiên của tiến trình bình thường hóa quan hệ, ba nhân viên tình báo Cuba bị giam giữ ở Mỹ được xác nhận là đã trở về quê hương ngay trong ngày 17/12. Đổi lại, Cuba cũng tiến hành trả tự do cho công dân Mỹ và một điệp viên làm việc cho chính phủ Mỹ bị bắt giữ từ cách đây 20 năm. Mỹ cũng dự kiến mở Đại sứ quán ở thủ đô Havana của Cuba trong vài tháng tới. Một vấn đề gai góc nhất, mang tính quyết định là việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận đối với Cuba cũng nhận được tín hiệu tích cực. Đích thân Tổng thống Barack Obama khẳng định sẽ thảo luận với Quốc hội Mỹ về bãi bỏ cấm vận thương mại của Mỹ đối với Cuba, đồng thời chỉ thị cho Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiến hành thảo luận với phía Cuba về việc triển khai các hoạt động nhằm bình thường hóa quan hệ trong những ngày tới.
Dư luận hoan nghênh
Có thể nói tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ-Cuba là sự kiện được nhân dân cả hai nước Cuba và Mỹ cũng như cộng đồng quốc tế mong đợi từ rất lâu.
Ngay trong lòng nước Mỹ, quyết định này nhận được sự ủng hộ rộng rãi, không chỉ những chính khách, học giả, doanh nhân, mà cả người dân bình thường. Nhiều ý kiến cho rằng Tổng thống Obama đã đúng khi vạch ra một tiến trình mới về Cuba, phục vụ cho các lợi ích của Mỹ ở Tây bán cầu cũng như trên toàn thế giới. Còn ở quốc đảo Caribe, các nhà lãnh đạo nước này khẳng định Cuba chưa bao giờ là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và Lahabana sẵn sàng thiết lập một mối quan hệ có đi có lại với Washington, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Trong khi đó, quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba được dư luận quốc tế hết sức hoan nghênh. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon hoan nghênh quyết định lịch sử này đồng thời khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng làm tất cả để giúp hai nước phát triển mối quan hệ mới. Giáo hoàng Francis chúc mừng Mỹ và Cuba về sự tan băng lịch sử trong quan hệ hai nước. Phó đại diện Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) tại Liên hợp quốc Mateo Estreme cho rằng lệnh cấm này của Mỹ gây ra những thiệt hại nặng nề đối với nhân dân Cuba, kìm hãm những tiến bộ trong việc thực thi các mục tiêu phát triển quốc tế, cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba là ví dụ về một chính sách lỗi thời trong thế giới ngày nay.
Một chính sách đã lỗi thời và lạc hậu
Quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã “đóng băng” từ cuộc cách mạng tại Cuba năm 1959. Kể từ khi Cuba giành chính quyền từ tay cựu độc tài Fulgenci Batista, thành lập nhà nước Cuba, Mỹ đã duy trì các lệnh trừng phạt và cấm vận Cuba cho tới nay.
Trên thực tế, ước tính kể từ khi chính quyền Mỹ áp đặt lệnh bao vây cấm vận, Cuba đã phải hứng chịu mức thiệt hại khổng lồ ước tính lên tới 1.112 tỷ USD. Trong đó, ngành du lịch, một ngành đem lại nguồn thu ngoại tệ lớn thứ hai cho nền kinh tế Cuba, bị thiệt hại nặng nề nhất. Các biện pháp cấm vận của Mỹ chống Cuba không chỉ gây tác hại đối với Cuba, mà còn gây ra những thiệt hại cho nhiều quốc gia khác. Trong lĩnh vực tài chính, nhiều ngân hàng trên thế giới có quan hệ giao dịch với Cuba đã bị Mỹ tuyên phạt với số tiền lên tới hơn 11 tỷ USD. Do vậy, chính sách cô lập Cuba của Mỹ đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 17/12, Người đứng đầu Nhà Trắng đã thừa nhận các chính sách trừng phạt, bao vây cấm vận chống Cuba hơn 50 năm qua là “lỗi thời, lạc hậu” và những điều chỉnh trong chính sách với Cuba sẽ tạo điều kiện để hai bên xích lại gần nhau hơn, tìm lại sự tin tưởng lẫn nhau để hướng tới một tương lai phát triển bền vững và ổn định ở khu vực. Rõ ràng, sự kiện Cuba và Mỹ tái thiết lập quan hệ ngoại giao là minh chứng về quyết tâm đối thoại của chính phủ hai nước, song đây mới chỉ là sự khởi đầu của chặng đường rất dài phía trước bởi hai bên vẫn còn rất nhiều khác biệt và thử thách. Tiến trình bình thường hóa, theo một số nhà quan sát, có thể sẽ vấp phải một số trở ngại, đặc biệt khi ông Obama cần sự chấp thuận của Quốc hội để thông qua việc gỡ bỏ lệnh cấm vận. Dù vậy, sự kiện này cũng là bước ngoặt quyết định, phù hợp xu thế thời đại, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước./.